Trang nhà
HOÀNG NGỌC LIÊN



<hl2k@juno.com>

                     Viết Ngắn
Vào Mộng
Tản mạn của Hoàng Ngọc Liên

Già Tám với tay lấy cuốn sách trên kệ, mở một trang đọc qua rồi nhìn tôi:

- Ðây rồi. Người xưa kêu bằng Nhập Mộng Ðại Pháp, tức cách thức Vào Mộng!

Tôi không hiểu:

- Thưa Già. Nằm mơ mà cũng có... đại pháp sao?

Già Tám gật đầu:

- Ðúng vậy, biết phương pháp thì dễ vào mộng. Nhưng Nhập Mộng Ðại Pháp ở đây không phải chỉ cách thức để dễ nằm mơ, mà là phương pháp vào mộng của người khác.

Tôi mở to mắt:

- Vào mộng của người khác? Làm sao có thể vào mộng của người khác, thưa Già?

Già Tám gật gù:

- Có đấy. Chỉ là làm sao học được phương pháp này thôi. Có điều cần thông suốt, là nếu khi đã vào mộng người khác, mà người ấy sực tỉnh trong khi mình chưa ra thì bị nhốt luôn trong mộng của người ta. Cho đến khi nào người ấy ngủ lại thì mình mới ra được.

Một ý nghĩ thoáng qua, tôi buột miệng:

- Thưa Già, tôi không hiểu rõ mục đích của người xưa khi theo đuổi phương pháp này. Ðây có thể là một mưu đồ bất chính, nếu việc làm này thực hiện được. Bởi vì giấc mơ cá nhân là của riêng tư, không ai được phép xen vào, nếu có thể làm được như thế.

Già Tám gật đầu:

- Ðồng ý với ông. Việc thực hiện Nhập Mộng Ðại Pháp hẳn là có ý đồ tìm hiểu chuyện riêng của người khác. Trong chiến tranh, , một trong những mục đích Vào Mộng là phát giác ý định hành quân của đối phương; trong tình trường hay chuyện đôi lứa Vào Mộng là dò xét sự thủy chung của người bạn tình. Như vậy dù biện minh thế nào, Vào Mộng vẫn là việc làm không chính đáng.

- Thưa Già, tuy có nghe nói đến Nhập Mộng Ðại Pháp, nhưng tôi chưa được đọc một tài liệu hay một câu chuyện nào về việc này. Nếu có, xin Già kể cho nghe.

Già Tám vui vẻ:

- Chuyện xưa thì có đấy nhưng chỉ là những huyền thoại, không nhất thiết xác tín, ông nghe qua rồi bỏ đi.

- Dạ, thưa Già.

- Vậy ông muốn nghe chuyện bên Ta, hay bên Tàu?

Tôi mỉm cười:

- Bên Ta, vì thưa Già, từ trước tới nay do ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, sách vở Ta thường dùng các điển cố Tàu, hơn là các sự kiện đã xảy ra tại nước nhà.

Già Tám lại gật đầu:

- Phải rồi, nước Ta thiếu gì những gương anh hùng liệt nữ cần được nêu ra. Nói về bác học, dễ đã mấy Quốc Gia có được một Lê Quý Ðôn với Vân Ðài Loại Ngữ, một cuốn bách khoa toàn thư của Việt Nam. Nói về khoa học tiên tiến, chẳng phải ta cũng có nhiều khoa học gia nổi tiếng đó sao? Như vậy cần gì phải viện dẫn sách vở nước người về những điển cố tương ứng với bài viết! Tại sao nói đến sông, cứ phải nêu danh Dương Tử Giang, Trường Giang của Trung Hoa mà không nói đến Bạch Ðằng Giang, dòng sông chảy qua vùng Quảng Ninh, Hải Phòng, đổ ra cửa Nam Triều. Nơi đây đã chứng kiến những chiến công lẫy lừng của dân tộc : Thế kỷ X, Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán, thế kỳ 12 Trần Quốc Tuấn đại phá Nguyên quân.

rồi Già Tám giơ tay:

- Nhưng thôi, ta đã đi hơi xa. Trở lại với Vào Mộng thì chẳng những bên Ta không có nhiều mà cả bên Tàu cũng hiếm. Nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam mình không có chuyện kể về Vào Mộng. Hồi còn nhỏ, khi tản cư qua vùng Ðò Lèn, gần tỉnh lỵ Ninh Binh, tôi đã được một cụ già kể cho nghe câu chuyện này, nhưng như trên đã nói, đây chỉ là một huyền thoại.

* * *

Xã Trường Yên thuộc huyện Gia Viễn có Ðộng Hoa Lư, một thắng cảnh được đặt tên từ triều Ðinh. Trên sông Vị, phía tả ngạn có một gò đất trồng nhiều giống cây Thiên Tuế và các loại hoa Hướng Dương. Trên gò có hai ngôi mộ xây bằng một loại gạch nung mà thời gian đã đổi màu nâu thành màu rêu đậm. Trên tấm bia mộ bên trái, ghi: Ðinh Ðại Cô Nương, khuê danh Thị An chi mộ; bên phải: Ðinh Tiểu Cô Nương, khuê danh Thị Ninh chi mộ. Ðây là hai chị em ruột, con Ðinh viên ngoại mà dòng họ được trang trọng chép trong Ðinh Gia Ngọc Phả.

Sinh thời, cả hai cô đều đem lòng yêu thương một nho sinh họ Phạm, người Kẻ Chợ. Mỗi năm, cứ vào tiết Xuân Phân, khoảng ngày 21 tháng 3 dương lịch, Sinh từ Thăng Long trở lại Trường Yên để thăm Ðất Tổ. Trên đường về thôn Vị, lần nào Sinh cũng ghé thăm hai tiểu thư họ Ðinh.

Năm ấy, trái với thường lệ, khi Sinh đến Ðinh Gia Trang thì cả hai tiểu thư đều vắng nhà. Lão bộc cho hay là nhị vị tiểu thư đã qua thăm Mo Mường Vênh, một ông Thày nổi danh về bùa chú, có thảo am tiếp khách ven sông Vị, nên Sinh đành trở về nhà.

Cũng vào thời gian đó, trong gian nhà lợp tranh năm gian, hai chái, Mường Vênh đang tiếp chuyện Ðinh Ðại Tiểu Thư ở gian sát chái phía Ðông. Còn Ðinh Tiểu Cô Nường ở gian sát chái phía Tây, chờ đến lượt mình. Mo cần sắp đặt hai cô cách ly để thực hiện Vào Mộng cùng một thời gian, đã được dự trù vào lúc bắt đầu giờ Tí. Mục đích của "Nhập Mộng Ðại Pháp" lần này là để dò tìm chiều hướng tâm tư của Phạm Sinh coi chàng trai này yêu cô chị hay cô em.

Sau khi nói cho Ðinh Ðại Cô Nương biết cách thức phải thực hiện, Mo dặn Thị An nhớ uống ly nước lá Mơ – một thứ lá có công hiệu giỗ giấc ngủ - đúng vào lúc nghe tiếng trống điểm canh ba.

Qua bên Ðinh Tiểu Cô Nương, Mo cũng dặn Thị Ninh như vậy. Sau đó, một khoảnh khắc trước giờ Tý, Mo bước vào gian giữa, đến trước bàn thờ Chúa Mường Vênh, thắp hương khấn vái.

Trong khi đó, Phạm Sinh đang nằm đọc sách trong căn nhà cuối thôn Vị, bỗng thấy hai mi mắt nẵng chĩu. Sinh buông sách rồi ngủ thiếp đi. Trong mơ, Sinh thấy mình cùng Ðinh Ðại Cô Nương đi xem tuồng Vạn Thắng Vương trong rạp chèo Thôn Vị.

Ðúng vào giờ Tí, cả hai chị em Ðinh Tiểu Thư đều nằm mộng gặp Sinh và Thị Ninh đã thấy chàng cầm tay chị mình đi về phía trước!

Thị Ninh hốt hoảng sực tỉnh và bắt đầu nhuốm bệnh.

Dù đã được các lương y trong vùng tận tâm điều trị, Ðinh Tiểu Cô Nương cũng nhắm mắt trong tiếng khóc não nùng của Thị An và tang quyến. Ma chay cho em xong, Thị An cũng nhốm bệnh và từ trần sau đó ít tháng.

* * *

Kể đến đây, Già Tám nhìn tôi:

- Tuy già có lời khuyên ông nghe chuyện này rồi bỏ qua, nhưng không biết ông nghĩ gì về "Nhập Mộng Ðại Pháp"?

Tôi vui vẻ:

- Thưa Già! Có thể là ngày xưa có nhiều chuyện mà ngày nay không còn xảy ra nữa. Nhưng theo tôi, chỉ là vì Thị Ninh cảm nhận được chiều hướng tâm tư của Phạm Sinh đã ngả về cô chị, nên nằm mơ thấy Sinh đi bên chị mình. Sau đó vì tuyệt vọng nên héo hon mà chết, chứ tuyệt nhiên không có "Nhập Mộng Ðại Pháp" nào cả. Hoặc giả có "Nhập Mộng Ðại Pháp" nhưng cũng đã thất truyền từ lâu. Nếu không, thiên hạ thiếu gì kẻ Vào Mộng để mưu đồ tư lợi!

Già Tám gật đầu:

- Ðúng vậy, nhứt là trong chiến tranh hay thương trường cạnh tranh hôm nay, nếu đối phương vào được mộng của Ta thì... nguy lắm!

rồi già nheo mắt nhìn tôi:

- Còn nữa, nếu Tòa Bạch Ốc mà có phương pháp này, thì sẽ khui ra chỗ ẩn nấp của các ngài Bin Laden và Sadam Hussein không mấy khó!
 

May 2003
Hoàng Ngọc Liên

| Trang bìa |
| Ðầu trang |