Vài
Hàng Gửi Anh
Tôi ở bên bờ
Ðại Tây Dương bao la bát ngát.
Bến nào, con tầu nào cho tôi về
lại khung trời chỉ còn lại trong
ký ức? Cũng như hình ảnh
của anh, ngày ấy tôi ghi lại được
bằng máy ảnh Pentax xưa thật là
xưa. Anh ngồi trên mô đá bên
hữu ngạn sông Lô. Những ánh
nắng chiều muộn rớt trên vai
anh, khiến cặp mắt anh long lanh vệt sáng
buồn. Chúng ta xa nhau từ đấy,
ròng rã bốn mươi tám năm
mà giọng hát của anh còn đọng
trong tôi:
Chèo thuyền vớt
củi sông Lô,
Vớt lầm phải
xác quân thù trôi sông.
Ði xem bộ đội lập
công,
Ði xem chiến sĩ anh
hùng sông Lô!
Cùng với tiếng chép
miệng thở dài:
- Chúng mình đi kháng
chiến mưu độc lập cho nước,
mưu hạnh phúc cho dân, trong đó
có hạnh phúc của mình. Thế
nhưng ... hình như những người
lãnh đạo kháng chiến lại không
vì một lý tưởng quốc gia!..
Tôi nhìn anh, cố thu lại
hình ảnh của anh để đem theo
một hướng đi khác, bởi
tôi phải ... dinh tê theo lời nhắn
của gia phụ. Anh không vội thất vọng
vì như vậy là tôi đi ngược
con đường cứu nước
mà lớp thanh niên đương
thời hiểu là chỉ có trong Kháng
Chiến. Chữ Kháng Chiến viết
hoa có mãnh lực thu hút chúng
tôi từ bỏ tất cả để
lên đường chống Pháp.
Không thể mãi mãi cúi đầu
làm thân nô lệ. Không ai kịp
nghĩ, kịp phân chia ra từng thành
phần xã hội trong cái tổng thể
toàn dân, trong khối đại đoàn
kết tưởng chừng chẳng thể
tan ra từng mảnh như sau này nó
đã tan ra.
Trăng trung tuần tháng
Mười âm lịch tỏa trên mặt
sông vào lạnh, in bóng anh lầm lũi
chậm bước về phía Hàm Yên.
Tôi đeo ba lô lên vai, gò lưng
đạp xe liền mấy ngày, suốt
con đường dài 161 cây số
từ thị xã Tuyên Quang về Hà
Nội. Trên một đoạn Liên Tỉnh
Lộ 12, tôi gặp Lương. Anh chàng tạch
tạch sè Cửa Ðông - vẫn
thường cùng chúng ta nhảy tầu
điện Bờ Hồ-Bạch Mai - đang
cùng Hiên "quang gánh" trong một đoàn
"văn công bỏ túi" cuốc bộ từ
Vĩnh Yên lên. Hiên "của" anh, cô
bé nữ sinh Hàng Cót mới
ngày nào, bấy giờ đã
là một thiếu nữ dậy thì
xuân sắc. Tôi chỉ kịp bắt tay
Lương và cười vui với
Hiên, khi cô nàng nói nhỏ:
- Anh coi chúng em đẹp đôi
không?
Tôi gật đầu:
- Ðẹp lắm! Hẹn gặp
lại!
Ðó là lần cuối
tôi gặp Lương-Hiên. Bởi chỉ
vài năm sau đó,tôi nhận được
tin cặp uyên ương này đã
nằm xuống trên đường công
tác tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Còn
anh, cho dù lần chia tay đó chưa phải
là lần cuối nhưng cho đến cuối
năm 1999, tôi cũng không được
tin gì về anh.
Năm 1975, từ sau ngày
30 tháng 4 cho đến giữa tháng
6, tôi đã dò hỏi nhiều
lần nhưng không ai biết gì về
anh. Chiến tranh kéo dài hơn một
phần tư thế kỷ trên đất
nước đau khổ, nghèo nàn
của chúng ta, làm mất tích bao nhiêu
người thân của chúng ta, mãi
mãi còn là nỗi nhớ khôn
nguôi của bè bạn đã chia tay
mà không hẹn được ngày
gặp lại.
Chiều qua, đứng bên
ghềnh đá ven biển Miền Ðông
nước Mỹ, tôi nhìn bãi
cát mà mường tượng
bờ sông Lô năm nào đã
in vết chân anh, tiếp tục con đường
"kháng chiến" mà anh đã chọn.
Công lao của tầng lớp thanh niên
trí thức quốc gia đóng góp
vào nền độc lập và thống
nhất của Việt Nam hẳn không phải
là nhỏ, nhưng anh, các anh, chưa bao giờ
được ghi công. Thành quả
thuộc về một đảng độc tôn,
cho đến nay vẫn tự hào là
đỉnh cao trí tuệ đang điều
hành quốc gia chậm tiến và nghèo
đói, đi vào thiên niên kỷ
thứ ba!
Anh! Bây giờ anh đang
ở đâu? Anh vẫn sống ở
một nơi nào đó trên quê
hương chúng ta, hay đã đi vào
cõi Vĩnh Hằng?
Nếu anh còn sống, tôi
có thể hình dung ra một ông già
hom hem, gầy yếu, lưng còng, tóc bạc,
hàng ngày sống vất vưởng
với số lương hưu không đủ
mua thực phẩm nuôi thân!
Nếu anh không còn nữa,
ở cõi nào đó, anh nhìn
coi xuống Việt Nam ngày nay, hẳn cảm
thông với tôi, chúng tôi, những
người quốc gia vượt thoát
chế độ hiện tại đang mang nỗi
lòng tha hương, nhớ nước,
thiết tha cầu mong Việt Nam sẽ có
một ngày toàn dân được
sống trong tự do và thịnh vượng.
Hoàng Ngọc Liên
|