Tiếng
Chim Giải Hận
Thường sinh bước
xuống chuyến đò ngang trên dòng
Vân Hồ, khúc sông nối tiếp
hai bờ một con đường dài
thăm thẳm. Là một người
vốn ưa cuộc sống tự do, không
phải ràng buộc, sinh không dẫn
theo tiểu đồng tháp tùng vào
kinh đô ứng thí, như phần
đông các bạn đồng môn
khác. Giang sơn của sinh vỏn vẹn là
một tay nải chứa chiếc lều vải,
vài bộ quần áo, ít vật dụng
cần thiết và hai cuốn sách. Ðịu
chiếc tay nải trên một bờ vai,
sinh là khách bộ hành đường
dài, trong dòng người lũ lượt
tiến Kinh.
Ðò cập bến,
trước mắt sinh là một quán
lá bày biện sơ sài. Vuông vải
trắng, mang chữ “trà” được
treo đong đưa trên chiếc mấu
của một cây phướn, đã
ngả màu cháo lòng. Quán trống,
chung quanh không có phên che, là khung cảnh
quen thuộc thường hiện ra sau mỗi
chặng đường, nơi khách bộ
hành nghỉ chân để giải khát.
Sinh ngồi vào chiếc
bàn chưa có khách còn sót
lại, kêu một bình trà. Một làn
gió mát thoảng qua khiến sinh cảm
thấy dễ chịu. Nhìn ra phía ngoài,
sinh chợt thấy một cụ già đang
chậm chạp đi tới. Một tay đưa
lên vai cầm lấy đầu tay nải
địu trên lưng, một tay chống gậy,
cụ già có dáng điệu mệt
nhọc lần bước đến chỗ
sinh ngồi. Ý hẳn nhận thấy chỉ
còn 1 bàn này là có chỗ
trống, ông cụ đặt chiếc tay nải
màu vàng xuống góc bàn, để
cây gậy dựa vào thành ghế
rồi ngồi xuống.
Sinh đứng lên
thi lễ:
- Kính chào lão
trượng.
Ông cụ nhìn
sinh, sẽ gật đầu.
Sinh rót trà ra ly, hai
tay cung kính:
- Trà còn nóng,
tiểu sinh kính mời lão trượng.
Ông cụ lại gật
đầu, đỡ chén trà,
thủy chung cụ vẫn chưa lên tiếng.
Hình như cảm thấy
ông cụ không muốn tiếp chuyện
mình, sinh không nói gì thêm. Nhìn
qua con đường trước mặt,
sinh lim dim cặp mắt và cảm thấy cái
nắng gắt của trưa hè có phần
dịu lại. Mải mê những ý
nghĩ mông lung tản mạn, lúc sinh mở
mắt ra thì không thấy ông cụ
đâu nữa. Dĩ nhiên ông cụ
đã lên đường. Cây
gậy của ông cụ dựng bên thành
ghế biến theo, nhưng sinh vừa nhận
ra chiếc tay nải màu vàng vẫn còn
ở chỗ cũ. Biết ngay là ông
cụ để quên, sinh vội vàng kêu
chủ quán nhận tiền trà, rồi
một tay quàng chiếc tay nải của mình,
một tay quàng chiếc của ông cụ
lên vai, sinh vội vã bước ra khỏi
quán. Khi đến con đường
thẳng góc trước mặt, sinh không
biết ông cụ đi về phía nào.
Ngần ngừ một lát, sinh cho là
lúc nãy, có thể là ông cụ
từ con đường phía trên
đi xuống. Bởi vì chuyến đò
sinh vừa qua, không có ông cụ.
Thời gian sinh ngồi trong quán không
đủ để chuyến kế tiếp
cập bến. Như vậy muốn tìm được
ông cụ, sinh phải đi trở lại
con đường vừa đi qua. Nên
sinh men xuống bờ sông, cũng
may mà sinh không phải chờ lâu,
con đò ngang lại sắp cập bến.
Qua bờ bên
kia, sinh cứ theo đường cũ
rảo bước. Tới quán lá
đã từng nghỉ chân thì bóng
chiều đã ngả, sinh hy vọng gặp
lại ông cụ. Quả nhiên, vừa
bước vào quán, sinh đã
thấy cụ đang ngồi trầm ngâm
trước một chung trà. Sinh mừng
rỡ đặt chiếc tay nải màu
vàng trên bàn:
- Lão trượng,
xin lão trượng nhận lại chiếc
tay nải để quên bên kia sông.
Ông cụ ngước
nhìn sinh, gật gù:
- Phải rồi, lão
thật lơ đãng quá, cảm ơn
huynh đài.
Sinh kéo ghế ngồi
đối diện với ông cụ. Bây
giờ sinh mới nhận ra khuôn mặt
hồng hào, phúc hậu của ông
cụ, với cặp mắt sáng quắc
và chòm râu dài trắng như tuyết.
Ông cụ mở tay nải, lấy ra một
đĩnh bạc trao cho sinh:
- Lão biếu huynh đài
chút lộ phí lai kinh. Nhìn dáng dấp
huynh đài, lão đoán chừng
huynh đài sắp đại đăng
khoa.
Sinh chắp tay trước
ngực:
- Ða tạ lão trượng
có lòng, thiệt tình tiểu sinh không
dám thọ ân vì đã có
đủ lộ phí khứ hồi. Xin
lão trượng vui lòng giữ lại
cho. Tiểu sinh thật tình, mong lão trượng
lượng thứ.
Cụ già cười
ha hả và không câu nệ bỏ đĩnh
bạc vào tay nải màu vàng. Lão
chăm chú nhìn sinh:
- Huynh đài thi ân
bất cầu báo, lại có thái
độ tôn trọng người nhiều
tuổi, lão hủ này rất hoan nghênh.
Nói đến đây,
chợt lão kêu lên:
- Ðáng tiếc, thật
uổng quá!
Sinh cung kính:
- Có điều gì,
xin lão trượng vui lòng chỉ giáo
cho.
Ông già ân cần:
- Chúng ta bèo nước
gặp nhau, thật là ba sinh hữu hạnh.
Ðể tạ lại tấm lòng của
huynh đài, lão mạo muội có vài
lời, mong được huynh đài
quan tâm.
Sinh cúi đầu:
- Tiểu sinh cung kính nghe
lời dạy của lão trượng.
- Lão nhận thấy
gương mặt huynh đài có bao bọc
một màn ám khí. Lão e tiền
đồ của huynh đài sẽ gặp
sự bất trắc, có nguy cơ quan hệ
đến tính mạng. Vậy lão
có 2 điều khuyên, huynh đài
nên ghi nhớ. Một là cần
hết sức thận trọng trong việc giao
dịch với người khác phái.
Hai là khi không còn cách nào
khác, mới nên chọn thủy trình.
Sinh lại chắp 2 tay trước
ngực:
- Ða ta lão trượng
chỉ dạy, tiểu sinh sẽ hết sức
ghi nhớ.
Nói xong, sinh đứng
lên:
- Tiểu sinh phải lên
đường, xin tạm biệt lão trượng,
mong sẽ có ngày tái ngộ.
Cụ già giơ tay:
- Lão cảm ơn huynh
đài đem trả lại chiếc tay nải.
Chúc huynh đài thượng lộ
bình an!
*
* *
Ngày kia, sinh đặt
chân đến Liên Ðình thuộc
khu vực Lãng Hồ. Ðó là
một chiếc hồ khá rộng mà chiều
dài lại ngoài tầm mắt, chung quanh
hồ trồng toàn liễu. Mấy ngọn
Ngọc, Vân, Phong Sơn bao bọc ba mặt
hồ, phía còn lại chính là con
đường mà sinh vừa trải
qua, dẫn đến bờ phía tây
của hồ. Liên Ðình được
cất trên địa thế cao. Ðứng
trong đình, du khách có thể nhìn
bao quát cả mặt hồ rộng mênh
mông, có khá nhiều con thuyền lớn
nhỏ với những chiếc buồm
nhiều màu sắc căng gió. Thốt
nhiên sinh nghe một giọng nói ồm ồm
cất lên:
- Quý khách tạm
dừng chân tại Liên Ðình,
kẻ hèn này xin có đôi lời
giới thiệu vài nét về cảnh
vật chung quanh, gọi là lời chào
mừng của dân chúng sở tại.
Một đại hán
có chòm râu ngắn và một gương
mặt hồng hào, từ bao giờ
đã đứng giữa đình.
Y chỉ tay ra phía hồ:
- Kính mời
quý liệt vị phóng tầm mắt
qua phía bên tả, ngọn Ngọc Sơn có
ngôi chùa Liên Hoa Bửu Tự
do Ni Sư Thích Hằng Ðộ trụ trì.
Dưới đó, ngang tầm mắt
của chúng ta là 5 cửa Kim Mộc
Thủy Hỏa Thổ môn, mà cửa
nào cũng có đường dẫn
lên Bửu Tự, với rất
nhiều động có thạch nhũ nổi
tiếng. Ngọn Vân Sơn chính giữa,
ngất cao tới đỉnh trời.
Nếu quý vị có nhã hứng
tham quan, người của Ngọc Hoa Trang hân
hạnh được làm kẻ dẫn
đường tận tụy. Bên tay mặt
kẻ hèn này là ngọn Phong Sơn.
Trên núi, bốn mùa đều có
gió lành, nên còn kêu bằng
Lương Sơn. Mùa đông, gió
trên Phong Sơn ấm áp, mùa hạ
gió lại mát lạnh. Ðiều này
thoáng nghe có vẻ nghịch lý, nhưng
đây là sự thật, kẻ hèn
này không dám lạm bàn. Kế
đó là Ngọc Hoa Trang. Ðây
là trang viện của đương kim tổng
đốc, Ngọc đại nhân. Bây
giờ đến Lãng Hồ. Quý
vị có nhận ra chiếc Hoa Thuyền
có 2 cánh buồm lớn màu
sen đang thả neo giữa hồ không?
Ðây mới là trọng tâm của
đôi lời mà kẻ hèn này
có bổn phận trình bày trước
liệt quý vị hôm nay.
Hiện tại Ngọc đại
nhân đang kén giai tế, làm khách
đông sàng cho ái nữ là
Ngọc Tiểu Thơ. Trái với những
hình thức thông thường, Ngọc
Tiểu Thơ ngày đêm trên Hoa Thuyền,
được tự do xếp đặt
những thể thức kén chồng
mà tiểu thơ cho là vừa ý.
Gần đây khá nhiều anh hùng
hào kiệt lăm le cầm lấy bàn
tay giai nhân để được yết
kiến Ngọc Ðại Nhân. Theo đại
ý lời công bố trên tấm
bảng dựng trên Hoa Thuyền thì Ngọc
đại nhân hoàn toàn chấp nhận,
bất kể chàng trai nào được
cầm tay Ngọc tiểu thơ đến ra
mắt ông, không cần môn đăng
hộ đối. Ðiều kiện phóng
khoáng này khiến những chàng
trai hào hoa bốn phương kéo nhau thăm
Lãng Hồ ngày càng đông. Trong
số liệt quý vị có mặt hôm
nay, hẳn có vị hữu ý, kẻ
hèn này xin được hoan nghênh.
Ðến đây, cũng xin trình
bày thể thức hiện đang áp
dụng cho mối duyên giai ngẫu này.
Ngưng lại một lát,
cặp mắt rảo qua những khuôn mặt
anh tuấn đang lắng nghe mình nói,
đại hán cao giọng tiếp lời:
- Thật là giản dị:
vị nào đối được một
vế ra của Ngọc tiểu thơ, mà tiểu
thơ chấp nhận, vị đó sẽ
được cầm tay nàng đến
yết kiến Ngọc đại nhân để
tiến hành hôn lễ!
Lại ngưng một lát,
đại hán hạ giọng:
- Nhưng rất tiếc
là cho đến nay, sau gần 2 tháng
sinh hoạt trên Lãng Hồ. Người
ta toàn chứng kiến những gương
mặt bẽ bàng rời khỏi Hoa
Thuyền. Mới đây, Ngọc tiểu
thư có ngỏ ý là, sau tiết thu
phân sang năm, nghĩa là còn
khoảmh mười bốn tháng nữa,
nếu không kén được
người bạn đời, nàng
sẽ lên Liên Hoa Bửu Tự, thế
phát quy y, coi như không có duyên với
người trần tục. Kẻ hèn
này ngày đêm cầu nguyện đức
Thế Tôn gia hộ cho Ngọc tiểu thơ
sớm gặp mối duyên lành, dám
mong trong quý liệt vị đây sẽ
có người được cầm
tay Ngọc tiểu thơ, khiến cho có một
ngày Ngọc Gia Trang mở hội Hoa Ðăng
và mỹ nhân sẽ không còn dịp
làm ni cô trên Liên Hoa Bửu Tự.
Nghe đến đây,
tự nhiên sinh thấy hứng khởi
và trong một phút bồng bột, sinh không
còn nhớ những lời khuyên
dặn của ông cụ trong quán lá
ven đường. Ngay buổi xế chiều
hôm đó, vầng trăng tròn vừa
nhô lên đỉnh Vân Sơn, mặt
hồ đã lao xao gợn sóng, sau
những làn gió mát làm đong
đưa bao nhiêu bóng liễu quanh Lãng
Hồ, Thường sinh đã có
mặt trên một con thuyền con, cánh buồm
nhỏ nhằm hướng Hoa Thuyền lướt
tới. Ðiều khiển con thuyền
là một vị trung niên dáng người
nho nhã, tự giới thiệu khi sinh
ngỏ lời muốn thuê con thuyền
nhỏ đưa tới Hoa Thuyền:
- Tôi họ Cấn. Vì
làm nghề đưa khách du ngoạn trên
lãng hồ, lại có năm ba con thuyền
nhỏ, nên mọi người thường
gọi đùa là thuyền trưởng.
Bữa nay hân hạnh được
chở tiên sinh áp mạn Hoa Thuyền,
xin kính chúc tiên sinh mã đáo
thành công!
Sinh trao cho thuyền trưởng
số bạc trả cho cả chuyến đi,
từ bờ tây Lãng Hồ ra
Hoa Thuyền, cả chuyến trở lại.
Nhưng nói vậy chớ trong thâm tâm,
sinh nghĩ mình sẽ trót lọt qua cửa...
vũ môn, ắt không phiền lòng
thuyền trưởng nữa.
Khi chiếc thuyền con
vừa áp mạn Hoa Thuyền, sinh đã
nghe âm thanh của một cô gái dịu
dàng vang lên:
- Xin hỏi vị tiên
sinh vừa tới, phải chăng muốn
cùng Ngọc tiểu thơ hội kiến?
Sinh vội đáp:
- Tiểu sinh họ Thường,
người phủ Diên An, nhân trên
đường lai kinh qua đây, rất
ngưỡng vọng Ngọc cô nương
nên mạo muội đến xin ra mắt.
Thiếu nữ trên
thuyền dõng dạc:
- Nhờ Hồng, Hoa,
nhị vị tỷ muội chuyển trình Ngọc
tiểu thơ: Có Thường tiên
sinh xin được diện kiến.
Chỉ một lát sau, thiếu
nữ trên thuyền tiếp lời:
- Ngọc tiểu thơ rất
hoan nghênh Thường tiên sinh hạ
cố, xin mời lên Hoa Thuyền.
Sinh vừa nhẹ bước
qua, đã nghe lời giới thiệu:
- Ngọc cô nương
cùng 2 thể nữ chào mừng
quý khách.
Cùng lúc đó,
bức rèm châu khoang chính từ
từ cuốn lên. Có tiếng đàn
dạo bản “Tương Phùng Khúc”. Ánh
sáng của mấy chục ngọn Hoa Ðăng
chiếu trên thân hình kiều diễm
của người đẹp đứng
giữa, hẳn nhiên là Ngọc cô
nương, hai bên là hai cô gái xinh
đẹp, hầu cận.
Sinh vòng tay ra phía trước:
- Tiểu sinh là Thường
Nhơn Hoà, rất hân hạnh được
Ngọc Cô Nương cho tương kiến.
Ngọc tiểu thơ
hơi nghiêng mình thi lễ rồi cất
giọng oanh vàng:
- Tạ tạ Thường
tiên sinh quang lâm Hoa Thuyền! Xin mời
vào trong đàm đạo.
Người đẹp
bước qua một bên. Hai cô gái
lui ra phía sau, chờ cho sinh và Ngọc
tiểu thơ song hàng bước vào
khoang chính của Hoa Thuyền đã trang
trí cực kỳ lộng lẫy.
Sau khi phân ngôi chủ
khách, một thể nữ dâng trà.
Ngọc tiểu thư đặt ly trà trên
bàn, trước mặt sinh:
- Mới Thường
tiên sinh dùng trà. Tiên sinh có
lòng hạ cố, tiểu nữ thành
thực đa tạ. Tiểu nữ tài
hèn, trí thiển, vâng lệnh nghiêm
đường dùng Hoa Thuyến làm
nơi tương ngộ, những mong sẽ
gặp lương duyên. Từ ngày dùng
một vế đối ướm lòng
người quân tử, đã
khá nhiều khách hào hoa đáp
ứng. Văn tài thực là đông
đảo, nhưng chưa có vế đối
nào làm tiểu nữ siêu lòng.
Sinh mỉm cười:
- Như vậy, phải chăng
ý của cô nương là, ngoài
sự cân đối của từ,
của ý, còn phải khiến cô nương
xúc động trong lòng. Tiểu sinh bây
giờ mới hiểu trong điều
kiện được cầm bàn tay ngọc,
có đoạn đại ý là vế
đối được tiểu thơ chấp
nhận... lại còn ngụ ý phần lớn
về chiều hướng tình cảm.
Thành ra bao nhiêu kẻ thất bại trước
đây không hẳn là vế đối
của họ không hay, không chỉnh... Vì
không biết trước điểm quan
trọng này, tiểu sinh mới dám
đường đột bước
lên Hoa Thuyền...
Ngọc tiểu thư cúi
đầu e lệ:
- Tiên sinh quả biết
được cái lẽ đối
diện sinh tình. Tiểu nữ vẫn tâm
đắc câu : “tình duyên do thiên
định”, ắt khiến cho con người
cảm nhận được tâm ý
của nhau. Nói như vậy không hẳn
là vế đối không chiếm phần
quan trọng trong nhận thức của tiểu
nữ, mà còn là một sự
bắt đầu cần thiết, vậy xin
kính mời tiên sinh hạ bút.
Tiểu thơ dứt
lời thì 2 thiếu nữ cũng
vừa xuất hiện, đã đặt
nghiên bút cùng hai tờ hoa tiên,
có 1 tờ đã ghi sẵn vế
ra, riêng cho cuộc hội kiến tối nay.
Sinh đọc nhanh dòng
chữ:
- Bản thủy vô ba,
tự phong siếu diện.
Ý nghĩa của vế
ra cũng chẳng có gì thâm thúy:
bản chất của nước không
có sóng, chỉ tại gió thổi làm
cau mặt mà thôi!
Nghĩ vậy nhưng nhất
thời sinh chưa tìm ra một ý nghĩa
tương phản. Ðầu óc sinh như
mụ đi. Thốt nhiên, sinh nhận ra là
mình đang theo đuổi một công việc
trái với nề nếp, tác phong
khoáng đạt, không vương phiền
lụy của mình. Cứ tưởng
tượng đến lúc cầm tay Ngọc
cô nương vào yết kiến Tổng
Ðốc đại nhân, bao nhiêu lễ
nghi phiền phức, ràng buộc sinh vào
cửa quyền môn, sinh thấy tự
mình gây ra phiền não. Nhưng đã
đến nước này, dù muốn
thoái thác cũng không còn kịp
nữa. Như vậy chỉ còn một cách
là đáp ứng lời mời
của Ngọc tiểu thơ một vế đối
bình thường, sau đó cố
tình lảng tránh tia mắt của nàng.
Ngọc tiểu thơ là người tinh
tế, ắt nhận ra ẩn ý của người
đối diện mà không chấp nhận
cuộc tình duyên. Sinh sẽ thanh thản
theo con đường đã định.
Có sẵn định
kiến, sinh nhẩm đọc lại vế ra.
Hình ảnh nào giúp sinh có được
vế đối hoàn chỉnh, chỉ cần
không làm mất thể diện thì dù
không xuất sắc cũng không sao. Nhưng
thêm một tuần trà nữa qua mà
sinh vẫn chưa tìm được ý.
Người sinh nóng bừng lên.
Ngoài trời từng cơn gió
lộng thổi. Ánh trăng, ánh đèn
chiếu xuống mặt hồ sóng dậy,
tiếng ào ào vỗ mạn thuyền
từng đợt ngày càng dồn
dập. Sinh thấy đầu mình căng
ra, thị lực yếu dần. Một ma lực
nào dựng sinh đứng lên, quên
là mình đang ở đâu, không
nhớ còn có Ngọc tiểu thơ
đối diện, sinh lảo đảo bước
ra mạn thuyền, phía bên tả, nơi
không có con thuyền nhỏ mà sinh thuê
áp mạn. Ngọc tiểu thơ và mấy
thể nữ hoảng hốt bước
theo. Nhưng một bóng người dường
như vừa trượt chân, đã
lao xuống mặt hồ đang nổi sóng...
Ðêm đã về
khuya, những người trên Hoa Thuyền
không rành bơi lội, ngậm ngùi
nhìn theo dòng nước bao la cuốn
sinh đi. Mạn thuyền bên này, Cấn
thuyền trưởng cũng vừa lặn
xuống hồ. Nhưng mênh mông hồ
nước bao la, sau một thời
gian khá lâu tìm kiếm không kết
quả, Cấn thuyền trưởng đành
phải lên thuyền.
Vì câu chuyện bất
ngờ trên, Hoa Thuyền tạm ngưng
nhận khách trong một mùa trăng. Cũng
thời gian đó, người của
Ngọc gia trang vớt được thi
thể sinh, đem an táng trên một gò
đất ven hồ, giữa hai hàng liễu
rủ. Bia mộ có ghi: - “Thường Nhơn
Hòa tiên sinh chi mộ”.
Ít lâu sau, trong vùng
Lãng Hồ, canh khuya thường có
một loài chim kêu lên mấy tiếng,
nghe như 4 bốn chữ: “Tự phong siếu
diện”, giọng chim ai oán, thê lương
tựa lời oán than của một
oan hồn chưa siêu thoát!
Gần một năm sau,
có vị tân khoa trẻ tuổi, Lại
Thám Hoa, trên đường hồi
hương, dừng chân lại Lãng
Hồ. Thám Hoa hiếu kỳ trước
câu chuyện kể của người địa
phương, nên dấu danh phận, cùng
hai người tùy tùng mướn
con thuyền nhỏ, chiều hôm ấy áp
mạn Hoa Thuyền. Chủ nhân Hoa Thuyền,
Ngọc tiểu thư tuy chưa lựa chọn
được người tri kỷ, nhưng
cũng chưa đáo hạn lên Liên
Hoa Bửu Tự yết kiến Ni sư trụ
trì Thích Hằng Ðộ.
Vừa cạn một tuần
trà, Lại thám hoa đứng lên,
trịnh trọng hướng về phía
Ngọc tiểu thơ, minh bạch:
- Ðược vinh dự
đối diện Ngọc cô nương, kẻ
đường đột này thiệt
là vạn hạnh. Ðể đáp lại
thịnh tình của cô nương, vãn
sinh xin đem tấm lòng chân thành
giãi tỏ, mong được cô nương
thể tất. Vãn sinh quả không hề
có cao vọng được lọt vào
mắt xanh của cô nương. Chẳng qua
nghe câu chuyện thương tâm của người
đến trước, muốn được
cô nương cho nghe vế ra ngày trước,
đã khiến cho Thường huynh đệ
gửi nắm xương tàn tại vùng
Lãng Hồ này. Vạn nhất mà
vãn bối đáp ứng được,
dù quá muộn màng, thay cho Thường
huynh đệ, âu cũng là có
duyên với người quá vãng,
lại như món quà văn chương
kính tặng Ngọc Cô Nương. Vãn
bối quả không còn cao vọng
bào khác. Dám mong Ngọc
cô nương chiếu cố cho.
Ngọc tiểu thơ
thở dài nhỏ nhẹ:
- Xin mời Lại tiên
sinh an toạ. Thưa tiên sinh, tiểu nữ
gần đây cảm thấy không còn
nhiều hứng thú với chiếc
Hoa thuyền này. Hình như tiểu nữ
không có duyên với chuyện lứa
đôi, chỉ mong đáo hạn đã
đề ra cho mình, để thanh thản
lên đường tu đạo. Nếu
trước đây gặp tình huống
này, ắt tiểu nữ đã phụ
lòng tiên sinh mà chỉ khăng khăng
tiến hành công việc trước
mắt, chớ không thể nhắc lại
chuyện đã qua. Nhưng hiện tại, tiểu
nữ thấy không cần để
tiên sinh phiền lòng. Trang giấy hoa tiên
ghi vế ra ngày đó vẫn còn
đây, kính mời tiên sinh chỉ
giáo.
Một thiếu nữ
bưng chiếc khay trên có tờ hoa
tiên với dòng chữ
Bản thủy vô ba, tự phong siếu diện;
một cô khác bưng chiếc khay có
bút, nghiên mài mực sẳn và
một tờ hoa tiên để trắng.
Cả hai đặt khay trên bàn, trước
mặt khách.
Lại thám hoa ngồi
xuống ghế, ông nhìn qua vế
ra một lát rồi phóng bút.
Tờ hoa tiên lập
tức được một cô gái
đặt trên một chiếc khay khác
đem trình chủ nhân Hoa Thuyền.
Ngọc cô nương
đọc nhanh vế đối:
- Nguyên sơn bất
lão, vị tuyết bạch đầu.
Vế đối hàm
nghĩa: Núi vốn không già, chỉ
vì tuyết phủ nên làm đầu
bạc!
Ðối chỉnh, lời
hay, ý đẹp. Ngọc tiểu thư cảm
thấy nóng bừng hai má. Nhưng
từ khoảng không trên Hoa Thuyền,
thốt nhiên có một tiếng chim quen
thuộc vừa kêu lên bốn tiếng
nghe như “Vị Tuyết Bạch Ðầu”,
rồi mất hút trong đêm.
Một thoáng qua, đã
thấy Lại thám hoa bước qua con
thuyến nhỏ, tiếng của ông vọng
lại như từ một cõi xa xăm:
- Ða tạ Ngọc tiểu
thơ về buổi hội kiến này. Vãn
sinh thành tâm kính chúc cô nương
sẽ gặp được một kỳ
duyên trong những ngày sắp tới.
Xin tha lỗi cho vãn bối chẳng thể
ngồi lâu. Giờ xin giã biệt!
Tiếng nói chưa dứt
mà con thuyền nhỏ đã lìa xa
qua bờ phía tây của Lãng Hồ.
Người kể lại
câu chuyện trên đây là một
lão tiền bối hiện đang sống
trên bờ tây Thái Bình Dương.
Không nghe ông nói gì về đoạn
kết. Liệu Ngọc Tiểu Thơ có xuống
tóc tu đạo hay không? Ðoạn
cuối câu chuyện của ông chỉ
nói một câu:
-”Từ đó trong
vùng Lãng Hồ, người ta không
còn nghe tiếng một loài chim ai oán
kêu trong đêm, mấy tiếng nghe như
‘tự phong siếu diện’ nữa”.
Hoàng Ngọc Liên
|