Trang nhà
HOÀNG NGỌC LIÊN



 


Thư Miền Ðông:
Tạp bút của Hoàng Ngọc Liên.

Sau 2 năm qua Miền Tây gặp lại các thân hữu Bắc-Nam Cali, tháng Sáu vưà qua tôi trở lại miền Ðông thăm Ðất Tình Nhân (WA D.C., theo Công tử Hà Ðông Hoàng Hải Thủy Viết Từ Rừng Phong) và tham dự sinh hoạt tại thủ phủ Raleigh của tiểu bang North Carolina.

Chuyến đi D.C. này ngoài việc muốn tái ngộ cùng các thân hữu Virginia, như các anh Tạ Quang Khôi, Hoàng Hải Thủy, Phạm Bội Hoàn, Hoàng Song Liêm, Anh Ngọc, Vương Ðức Lệ, Hà Bỉnh Trung, Nguyễn Ðức Ðạt, chị Nguyễn Thị Ngọc Dung..., tôi còn mục đích thăm Uyên Thao và đến thỉnh an Cư Sĩ Cao Văn Viên.

Uyên Thao, như phần đông bà con cầm viết đã biết, anh đang trong tình trạng sức khỏe không mấy tốt. Vài tháng trước đây, tôi được tin 70% bao tử của Uyên Thao đã bị cắt. Tôi cần đến với anh ít là một lần nữa.

Trong năm 2001 và những tháng đầu năm 2002, nhiều anh em Văn Nghệ Sĩ VN, cả trong và ngoài nước, đã lần lượt nằm xuống: Như Phong Lê Văn Tiến, Mặc Thu Lưu Ðức Sinh, Mai Trung Tĩnh, Duy Năng, Lê Văn Vũ Bắc Tiến... Mỗi lần nghe tin chẳng lành, tôi cứ tự trách mình, trong khi Thượng Ðế cho còn khỏe mạnh, có thể đi thăm bà con, gần Sacto như Duy Năng, mà chưa đi! Khi nghe tin Duy Năng nằm xuống, tôi lại đang xa Cali, dù có muốn tiễn anh lần cuối cũng không còn cơ hội nữa!

Thế là sau khi bay trở lại Raleigh, được chị Phan Hòa cho "quá giang", tôi đã "về" với Ðất Tình Nhân Hoa Thạnh Ðốn.

Lần này tôi được anh bạn cùng khóa, nhiếp ảnh gia Phạm Bội Hoàn (PBH) mới nghỉ hưu sau hơn 40 năm "cầy" cho hãng CBS, rất rảnh, nên "bắt" được tôi trên đường số 7 là hốt tôi đi ta bà trong 3 ngày liền.

* * *

1- Gặp lại Uyên Thao

Tôi gặp lại UT, tức Uyên Thao, trong tình trạng anh tươi cười, vui vẻ, trái với dự đoán của tôi.

Tôi cầm tay anh:

- Tinh trạng cậu khá hơn không?

- Toubip cho hay chỉ còn từ 8 tháng đến 3 năm nữa thôi!

rồi anh nhún vai:

- Thế là đi sau Măc Thu, Như Phong rồi! Thọ đấy!

Thấy khuôn mặt không vui của tôi, UT cười:

- Ðừng buồn, ai mà không phải "đi"!

- Chẳng biết còn gặp lại cậu nữa không?

- Ðang gặp mà! Vả lại còn gặp như không gặp, không gặp như còn gặp, cái lẽ này cậu còn hiểu rành hơn tôi!

Vẫn khuôn mặt mà tôi từng gặp lại sau gần 14 năm, kể từ khi tôi đến bệnh viện Nguyễn Văn Học Gia Ðịnh thăm anh vào năm 1988, nhưng dĩ nhiên "già" hơn nhiều, và cũng như tôi, tóc anh bạc gần hết.

Trước mắt tôi ngổn ngang sách vở, bản thảo, các khung quảng cáo cùng các tác phẩm của Tủ Sách Tiếng Quê Hương.

Khi mới qua định cư tại VA, Uyên Thao bắt tay ngay vào việc thành lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương, nhằm:..."chủ trương giới thiệu các tác phẩm phản ảnh mọi nét sinh hoạt của đất nước và con người trong những ý hướng thu góp, lưu giữ mọi dữ kiện, hình ảnh, cảnh ngộ cũng như tâm tư, cảm nghĩ của người dân Việt Nam, trong một giai đoạn lịch sử còn được nhắc nhở mãi ở mai sau. Tác phẩm do Tiếng Que Hương tuyển chọn và giới thiệu thuộc mọi thể loại: sưu tầm, khảo luận, dịch thuật, phóng sự, sáng tác văn học..." như Thư Gửi Bạn (2000) Uyên Thao đã viết.

- Cậu vẫn còn làm việc?

Ut gật đầu, nói bằng giọng mệt nhọc:

- Làm cho đến khi không còn làm được nữa! Tuy nhiên cũng chẳng còn nhiều việc phải làm! Sách còn vài cuốn phải phát hành. Thư từ thì không có thì giờ đọc. E mail chứa cả mấy trăm, không mở nữa, vì không biết đọc của ai!..

Phạm Bội Hoàn lên tiếng:

- Tôi thường ghé thăm anh và vẫn theo dõi tình trạng sức khỏe của anh. Bữa nay thấy anh có vẻ mệt mỏi hơn những lần trước. Anh cần tĩnh dưỡng..

Út vui vẻ:

- Cảm ơn anh quan tâm. Tôi khó lòng nằm yên một chỗ. Phải làm cái gì đó...

Chúng tôi trao đổi về tin tức thân hữu. Khi nói đến ý định của tôi muốn ghé thăm Hoàng Hải Thủy và Phở Vương Lê Thiệp. Ut nói:

- Ðể mình bấm số cho cậu nói chuyện với Công Tử Hà Ðông. Còn đến thăm thì thời gian này không tiện. Lê Thiệp mới đi Ðại Hàn..

- Xem World Cup tại chỗ?

- Không, nghe đâu Lê Thiệp định mở tiệm phở bên nước Củ Sâm!...

...

Sau khoảng nửa giờ hàn huyên, chúng tôi bùi ngùi từ giã UT.

* * *

2- Ðến thăm Cư Sĩ Cao Văn Viên.
 
 
 

  
             Ð,Tg. Cao Van Vien ngày xưa                  Hoang Ngoc Lien – Cao Van Vien ngày nay

Khi đưa địa chỉ của cựu Ðại Tướng Cao Văn Viên cho PBH, Thổ Công Hoa Thạnh Ðốn gật gù:

- Cũng phải mất nửa tiếng. Tôi đã tới khu người già ở Burke này cách nay trên 10 năm. Nhưng hy vọng chưa quên đường. Nhưng nếu được cụ Viên chỉ đường thì .. khỏe hơn.

Tôi bấm máy nói chuyện với Cụ Cao rồi trao lại cho PBH. Nghe xong, anh cười bảo tôi:

- Chuyện nhỏ! Chúng mình sẽ đến đúng 6pm.

"Anh Tư" – danh xưng mà tôi quen dùng khi nói chuyện với Cụ Cao, sau ngày liên lạc lại vào năm 2000 - cười bắt tay chúng tôi tại phòng khách cư xá OLD KEENE MILL:

- Cảm ơn các anh đã đến.

PBH trân trọng:

- Kính chào Ðại Tướng! Tôi rất vinh dự được gặp Ðại Tướng!

Cụ Cao cười xòa, giơ tay mời chung tôi ngồi đối diện:

- Tôi đã là một cư sĩ Phật Giáo. Mọi chuyện trên đời đối với tôi không còn hệ trọng nữa. Xin anh cứ kêu tôi bằng Anh Tư, như anh Hoàng Ngọc Liên.

Sau ít phút hỏi thăm xã giao, PBH đứng lên:

- Tôi có chút việc phải đi, xin phép Anh Tư. Xin cho biết chừng nào thuận tiện để tôi trở lại?

Tôi nhìn cụ Cao. Cụ mỉm cười:

- Tôi rảnh. Anh muốn ở tới chừng nào cũng được.

- Bây giờ là 3 giờ. Khoảng 6 giờ anh trở lại là vừa khéo! Tôi có nhiều chuyện muốn thưa với Anh Tư.

PBH nghiêng đầu:

- Xin Anh Tư cho chúng tôi được hân hạnh kính mời anh dùng cơm chiều nay.

Cụ Cao ngần ngừ rồi gật đầu:

- Ðược rồi, tôi nhận lời!

Chờ cho anh bạn hào hoa đi khỏi, tôi được cụ Cao cho hay những điéu tôi muốn biết.

* * *

Hai năm trước đây, do một cơ duyên, tôi đã liên lạc được với cựu Ðại Tướng Cao Văn Viên (CVV), nguyên Tổng Trưởng Quốc Phòng và Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (TTMT/QLVNCH). Sau khi đọc 1 cuốn sách, do tôi gởi tặng, Ông đã kêu phone cho tôi và nói chuyện trong khoảng 60 phút. Trong cuộc điện đàm lần đó (2000), tôi chưa được biết cặn kẽ những điều mà tôi muốn được làm sáng tỏ, sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ.

Lần này, được Nhiếp Ảnh Gia Phạm Bội Hoàn yểm trợ các phương tiện ăn ở, di chuyển, tôi từ thủ phủ Sacramento của Tiểu bang California, đã tới Washington D.C. từ JUN 14 đến JUN 16th. 2002 và đã được Ông CVV tiếp chuyện trong 180 phút chiều ngày 14 tại nơi ông cư ngụ, thành phố Burke thuộc Tiểu bang Virginia. Ðây là một ưu ái mà Ông CVV dành cho tôi, một người từng làm việc dưới quyền ông trong thời gian từ 1960 đến 1964 (Ông là Tư Lệnh Lữ Ðoàn Nhảy Dù, tôi là SQ trong bộ TM. Trại Hoàng Hoa Thám, Bà Quẹo, Gia Ðịnh, Nam Việt Nam).

Tôi đã ghi chép được nhiều điều, nhưng Ông không muốn tôi phổ biến tất cả. Hiện ông là một Cư Sĩ Phật Giáo, hàng ngày chăm lo đọc sách, hầu như không màng đến thế sự và bỏ ngoài tai những chuyện thị phi của người đời, kể cả những điều người ta chê trách Ông và thực ra không phải hoàn toàn đúng như vậy.

Như trên đã viết, Ông CVV không muốn tôi phổ biến tất cả những điều ghi chép trong buối được Ông tiếp kiến - (cũng có những điều Ông bảo tôi đừng chép), nên trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ ghi lại Ba Yếu Tố, mà theo Ông CVV, là những nguyên do đưa đến sự sụp đổ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vào năm 1975, như sau:

Thứ nhứt- VNCH đã bị ép buộc phải ký hiệp định Paris năm 1973 rất bất lợi cho Miền Nam vì không có điều khoản bắt quân Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) phải rút khỏi Miền Nam Việt Nam. Một cuộc ngưng bắn "da beo" được thực hiện, Cộng Quân vẫn còn tại chỗ!

Thứ hai- Những điều mà Tổng Thống Nixon hứa phản ứng quyết liệt (react violently) , nếu CSBV vi phạm hiệp định đã không được thực hiện vì Ông bị vụ Watergate bó tay. Trong "phản ứng quyết liệt" có cả việc ấn định các phi vụ B.52 và nhật tu hàng ngày, dành cho các mặt trận, mà Từ bộ TTM đến các Tư Lệnh Vùng, Quân Ðoàn đều có đường giây "nóng" với các Căn Cứ Không Quân Mỹ ở N. Banom (Thái Lan). Ông Nixon từ chức, các "phản ứng quyết liệt" không còn được thi hành!

Thứ ba- Cũng sau khi Tổng Thống Nixon từ chức, quân viện Hoa Kỳ dành cho VNCH dự định từ 1.6 tỷ, xuống còn 1 tỷ, sau đó bị cắt thêm 300 triệu, tức chỉ còn 700 triệu!. Sự kiện này khiến VNCH bắt buộc phải hạn chế các phương tiện chiến tranh. Do vậy mà sau khi mất Phước Long (6/1/75), trong phiên họp tại Cam Ranh ngày 14/3/75), Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định bỏ Miền Cao, rút quân theo Liên Tỉnh Lộ 7, dần dà kéo theo sự sụp đổ VNCH. (Xin đọc thêm: The Final Collapse by General Cao Van Viên)

Ngoài 3 nguyên do trên, theo Cựu Ðại Tướng Cao Văn Viên, người Việt Nam nào cũng hiểu là còn nhiều nguyên do khác khiến VNCH sụp đổ. Người viết không dám lạm bàn thêm .

Dĩ nhiên, trong 3 giờ tiếp với Ông CVV, người viết ghi chép được khá nhiều điều, cả chuyện công và chuyện tư. Nhưng Ông không muốn phổ biến những sự việc mà ông cho là có thể gây hiểu lầm là tự đề cao mình, hay người viết đề cao cấp chỉ huy cũ.

Ông là nhân chứng "biết quá nhiều" về cả hai nền Cộng Hòa của Nam Việt Nam. Nếu ông không tiết lộ thì có những sự thật lịch sử sẽ không được làm sáng tỏ. Như vậy, sẽ thiệt thòi cho người muốn tìm hiểu chiến tranh VN, cuộc chiến mà "chúng ta" tuy bại trận nhưng không thua trận. Nhưng người viết phải tôn trọng ý Ông.

Hiện nay, Ông CVV – vì lý do sức khỏe, hầu như không muốn tiếp xúc với ai, nên ít người liên lạc được với Ông. Năm nay Ông đã 81 tuổi (sanh năm 1921), sức khỏe sút kém, chứng thấp khớp khiến ban đêm ông bị đau nhức, mất ngủ, nhưng tinh thần ông sảng khoái, thanh thản. Ðối với người viết, ông không có điều gì dấu giếm, tuy rằng có thể sau này sẽ viết ra những sự việc mà bây giờ Ông không muốn phổ biến.


Hoàng Ngọc Liên

 
| Trang bìa |
| Ðầu trang |