Tôi
cứ tưởng mình hoa mắt khi trông thấy gã đứng bên dãy kệ
trưng bày hàng Tết, trong một chợ Tàu ở thành phố Cary,
tiểu bang North Carolina, này. Nhưng không, đúng là gã. Vì còn
mải dán mắt vào mấy hộp bánh mứt, nên gã không thấy tôi.
Do vậy mà tôi có đủ thời gian nhìn lại chiếc sẹo trên
trán gã, trước khi gã bước qua một gian hàng khác.
Ðó là một hình
dạng bao gồm từng phần thân thể của một con người mà
chỉ cần nhìn một phần, tôi cũng dễ dàng nhận ra là gã,
kẻ mang tên Trần Văn Chín và có tục danh là Phó Sẹo. Phó
là tên gọi chung những người làm thợ ở quê tôi. Ví dụ:
phó may là thợ may; phó cạo là thợ hớt tóc v.v... Chả là
đã có thời gian gã kéo bễ cho một lò rèn ở làng Phúc Ðiền
bên cạnh và khoảng năm 1941, gã bị đâm bể trán trong một
cuộc ẩu đả vì tranh nhau mớ lòng heo do quân Nhật vứt đi.
Năm 1950, gã vào bộ đội, tham dự chiến dịch Biên Giới
rồi trở về làm đội trưởng du kích địa phương! Chính
gã, vừa chỉ điểm cho Tây lùng bắt các thành viên một đảng
phái quốc gia, vừa tố cáo cha xứ U.L. tổ chức Tự Vệ bất
hợp pháp!
Người làng tôi,
ai nấy đều tránh Phó Sẹo, tên đầu trộm đuôi cướp. Không
ai muốn "dây" với gã. Ðó cũng là nguyên do khiến gã căm
thù tất cả mọi người. Vào thời kỳ "cải cách ruộng đất,
, gã đã là cái "nhân" đắc lực cho Ðội Cải Cách Ruộng
Ðất từ Nghệ Tĩnh ra, "đấu tố, giết sạch, phá sạch"
bao nhiêu nhân mạng của những "kẻ thù giai cấp"!
Tôi tin rằng con
người như gã , chắc chắn sớm được kết nạp vào Ðảng,
và sáng suốt như Ðảng, thế nào gã cũng được giao những
"sứ mệnh" cần đến những kẻ không tim với bàn tay máu!
Quả vậy, năm
1968, trong khuôn viên Bắc Việt Nghĩa Trang, tôi đã bất ngờ
gặp lại gã. Gã nhận ra tôi ngay và ý chừng sợ bị tôi
tố cáo, gã vội vã phóng xe gắn máy chạy về phía Tân Sơn
Nhất!
Thực ra, tôi không
bao giờ còn muốn gặp lại gã. Nhưng... oan gia còn phải gặp,
cái số tôi nó vậy. Bảy năm sau, lúc bị đưa đi "học tập"
ở trại Long Giao, trớ trêu thay, gã chính là " một trong những
nhân viên của Bộ chỉ huy Trại. Có điều gã làm lơ như
không hề biết tôi. Gần một năm ở Long Giao, chưa bao giờ
gã nói lời nào với tôi. Ðó cũng là cái may, trong những
cái rủi của tôi!
Năm 1988, sau khi
được tha về, tôi đã lên Long Khánh tìm thăm gia đình người
em vợ "Bắc Kỳ 1975", tại đây, tôi được nghe kể lại nhiều
thành tích của Phó Sẹo, nhưng không được gặp lại gã và
cuối năm 1995, trời xui, đất khiến, tôi lại nhận ngay ra
Phó Sẹo ở miền đất Tự Do này.
Gã qua đây từ
bao giờ? Sau vụ " nạn kiều" hay mới đây khi bỏ cấm vận
hoặc đã "bang giao? Gã được nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện
nào? Con lai? Du lịch? Chữa bệnh hay theo qui chế ngoại giao?
Dù dưới hình
thức nào thì sự hiện diện của Phó Sẹo cũng làm tôi suy
nghĩ. Chẳng phải tôi lo chuyện con bò trắng răng, việc gã
có thể phá hoại ở Mỹ như gã đã từng làm ở VNCH, mà
tôi chỉ nóng ruột khi trông thấy gã ở Mỹ!
Bàn tay của "Ðảng
Ta" dài thiệt và cũng chu đáo thiệt. Những tên đặc công
"phi văn hóa" như gã mà cũng được gửi qua Hoa Kỳ, vậy thực
ra đã có bao nhiêu tên quỉ đỏ nằm vùng trên toàn lãnh thổ
Mỹ?
Chắc hẳn bọn
chúng không lọt qua nổi mạng lưới tình báo Mỹ, nhưng ít
ra, những tên người máy loại Phó Sẹo có thể gây xáo trộn
phần nào trong cộng đồng người Việt định cư ở đây.
Và tôi thấy có bổn phận ghi lại những điều ghi nhận được
về một trong những khuôn mặt tội ác của CS, những kẻ
mang bàn tay máu mà vẫn tự xưng là "cách mạng", là "tất
cả vì nhân dân" với trăm ngàn thủ đoạn lường gạt hầu
như tất cả mọi thành phần xã hội người Việt, trong nước
cũng như hải ngoại. Sau đây là một trong những tội ác của
Phó Sẹo, vào đêm Chúa Ra Ðời hơn bốn chục năm trước
đây:
*
Con đường hàng
tỉnh số 10 Phát Diệm- Ninh Bình, qua Thị trấn Quy Hậu, có
một ngả rẽ ngoằn ngoèo ra đê Ngự Hàm,hữu ngạn sông Ðáy.
Bên tả ngạn là địa phận phủ Nghĩa (Nghĩa Hưng) thuộc
tỉnh Nam Ðịnh. Hồi đó chưa có phà ngang qua con này. Mọi
giao thông giữa 2 bờ sông đều do những con đò nhỏ chuyên
chở. Vào mùa nước ròng chảy xiết, lại thường gặp gió
ngược, mỗi chuyến đò ngang đều phải trải qua nhiều vất
vả, cực nhọc mới qua được bờ bên kia. Nhiều khi phải
do ba người lực lưỡng gò lưng kéo dây ngược lại mới
đậu vào đúng bến. Do vậy mà mỗi chuyến đò ngang, khi trời
không lặng gió và nước ròng, cũng phải mất khoảng 2 tiếng
đồng hồ.
Vào khoảng năm
1948, 1949, sau khi có cuộc hành quân nhảy dù xuống Phát Diệm,
một số thanh niên chống Cộng phủ Kim Sơn (Ninh Binh) và phủ
Nghĩa Hưng (Bùi Chu - Nam Ðịnh), thường lánh nạn CS bằng
cách bơi qua Sông Ðáy để tránh bị ruồng bắt. Vì hồi đó,
chính quyền CS chưa phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương,
nên việc "chạy giặc" từ 2 bên bờ sông Ðáy mới tương
đối an toàn. Nhưng bến đò trên quãng đê Ngự Hàm thuộc
khu vực làng Hướng Ðạo (Kim Sơn), đối diện với bến Quỹ
Nhất (phủ Nghĩa Hưng), đã bị một hung thần "phục kích"!
Có một thời gian, không ít anh em "Quốc Gia" bị bắt tại
địa điểm này. Kẻ đứng đầu ổ phục kích này chính là
Phó Sẹo.
Phó Sẹo tính
ra rằng, do sự thuận lợi về đường đi qua lại giữa 2
tỉnh, ổ phục kích của gã có thể "tóm" được những con
"mồi" lớn, từ Bùi Chu qua liên lạc với Phát Diệm, hoặc
đáp ca-nô từ Phát Diệm đi Nam Ðịnh, cũng như từ Phát Diệm
qua lánh nạn tại một vài xứ đạo bên kia sông Ðáy.
Ðêm cuối năm,
trời tối mịt, mưa phùn gió bấc lạnh cắt da. Trong lúc bà
con chuẩn bị đón Xuân, Phó Sẹo cùng một tên du kích xã
cuộn chiếu nằm phục trong cái chòi hoang ven sông, chờ một
trong những bè chuối từ bên tả ngạn theo nước ròng trôi
qua. Phó Sẹo đoán chừng sẽ có ít là một bè chuối giạt
vào bờ, trong khoảng đê Ngự Hàm, từ Hướng Ðạo xuống
Kim Ðài, quãng đường mà Phó Sẹo đã phối hợp đặt 5 ổ
phục kích.
Quả nhiên, khoảng
mười giờ đêm, một bè chuối giạt ngay gần chỗ Phó Sẹo.
Y bấm đèn pin quét một vòng đủ để nhận rõ, trên bè một
thanh niên trên 20 tuổi, mặc bộ đồ xanh xám với một ba
lô cột chặt vào lưng. Phó Sẹo kéo tay Lãnh, tên du kích,
chạy vội đến bên thanh niên lạ mặt. Tên Lãnh chĩa mũi
súng trường nội hóa, la lớn:
- Giơ tay lên!
Thanh niên bất
ngờ cúi hụp xuống và phóng chân đá vào tay súng của Lãnh.
Nhưng Phó Sẹo đã kịp thời bắn một phát súng lục lên
trời rồi chĩa mũi súng vào ngực thanh nhiên:
- Chúng tôi đã
bao vây khu này, anh không chống cự nổi đâu!
Thanh niên khựng
lại. Cùng một lúc, có những bóng đen từ xa chạy tới. Biết
mình bị sa lưới, thanh niên buông tay. Phó Sẹo ra hiệu cho
tên Lãnh trói anh lại. gã cầm một đầu giây rối đẩy lưng
thanh niên:
- Ði lên bờ đê!
Sau khi phân phối
cho tên Lãnh đứng gác phía ngoài, cùng với hai du kích khác,
Phó Sẹo đẩy thanh niên vào một căn nhà cạnh cống nước.
Hai tên du kích phụ Phó Sẹo lục soát trong người thanh niên
và chiếc ba lô. Ngoài vài bộ quần áo và những vật dụng
vệ sinh cá nhân, không có gì khác.
Phó Sẹo đứng
gác chân lên then ngang chiếc ghế đẩu chỗ thanh niên ngồi.
Gã hất hàm:
- Sao? Không có
gì khai báo thêm phải không?
Thanh niên lắc
đầu:
- Tôi định về
qua nhà, cùng thân nhân đón Giao Thừa.
Phó Sẹo cười
gằn:
- Chứ không phải
anh vào khu An Toàn để lên "Tề"?
Thanh niên lộ
vẻ thành thật:
- Tôi nói thật,
xin...
Phó Sẹo cười
gằn:
- Anh tưởng "cách
mạng" tin sao? Anh đi vào vùng địch, cho là đi kiếm cơm thì
cứ qua đò ngang, ban ngày ban mặt đàng hoàng. Tại sao phải
vượt sông bằng bè chuối...
Thanh niên hạ
giọng:
- Tôi bị du kích
mấy xã bên Nghĩa Hưng tìm bắt vì có chiếc xe đạp hiệu
Sterling...
- Vẽ cờ tam tài
phải không? Anh làm Việt gian, chỉ điểm cho Pháp rồi!
- Xe mua có sẵn
đường hoa văn như vậy, tôi ở nhà quê làm sao liên lạc
với Pháp mà làm... Việt gian?
Phó Sẹo chợt
nhớ ra điều gì:
- Chiếc xe đạp
đâu?
- Ðã bị tịch
thu. Tôi bị bắt giam vào trụ sở Ủy Ban Hành Kháng Liên Xã
Quang Trung. Thừa lúc mọi người không để ý, tôi lẻn ra
ngoài trốn đi. Do vậy mà không dám qua sông ban ngày...
- Có vậy thôi
mà lúc nãy anh dùng võ chống lại du kích?
Thanh niên ngập
ngừng:
- Tôi lầm, tưởng
các anh là bọn cướp!
Phó Sẹo nhìn
vào chiếc nhẫn trên ngón tay trái của thanh niên và sợi dây
chuyền có thánh giá vàng rồi nháy mắt ra hiệu cho tên mấy
tên du kích. Chúng lấy báng súng đập đầu thanh niên rồi
trói lại, nhét anh vào chiếc bao bố cũ. Sau đó, gã và hai
tên này đưa "con mồi" ra bãi cát ven sông Ðáy.
Ít phút sau, một
chiếc thuyền nan nhỏ do hai tên du kích chèo ra ngoài sông.
Phó Sẹo hì hục lăn chiếc bao bố xuống, gã lẩm bẩm:
- Cho mày đi mò
tôm! Quân Việt gian phản động!
Có tiếng một
tên du kích nói thêm:
- Lại... dám có
cái nhẫn hai đồng cân vàng y mà không đem cúng vào "Tuần
Lễ Vàng"!
Tiếp theo là tiếng
cười hích hích của Phó Sẹo:
- Món quà đêm
cuối năm khá quá. Tết này anh em mình "chén" thả cửa!
Hoàng Ngọc
Liên
|