Trang nhà
HOÀNG NGỌC LIÊN



 

Tản mạn của Hoàng Ngọc Liên

Chuyện Khó Tin
Lời Của Lá

Lời người viết: Như đã ghi trên, đây là một câu chuyện khó tin, không nhất thiết như nó đã từng có, từng xảy ra. HNL

Gần 4 năm liên tiếp, mỗi buổi sáng từ Thứ Hai đến Thứ Bảy, tôi đều có mặt trên đỉnh Mường Giang - ngọn núi trong phạm vi làng Mường Thải thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La - để lấy đủ 40 cây vầu, một loại tre nhỏ để "ken" vách nứa. Ðó là "chỉ tiêu" được ấn định cho ngày công "lao động" của một trại "cải tạo" ở Việt Nam vào khoảng các thập niên 80-90 trước đây.

Bao giờ chúng tôi cũng phải ráng làm đủ "chỉ tiêu" trong buổi sáng, vì nếu không, lại phải leo lên dốc núi thêm một lần nữa thì không thể nào chịu thấu! Lấy đủ rồi, nhưng chỉ kéo về "trại" phân nửa, số còn lại để dành giấu dưới chân núi, đến chiều mới đem về. Chỉ cần nửa buổi, một người yếu như thôi cũng có thể làm đủ. Vậy là tôi còn chút thì giờ để ... ta bà các khu vực chung quanh. Muốn không bị lạc, trên đường đi, tôi ghi dấu các mũi tên trên thân cây để lúc trở lại chỉ cần đi ngược hướng mũi tên.

Thế mà có lần tôi đã đi lạc! Quay đi, quay lại, tôi không còn thấy dấu vết gì nữa! Tôi lên tiếng gọi tên anh bạn tù đồng hành:

- Tạ Ðình Lương!

- Tạ Ðình Lương!

Chỉ nghe tiếng vọng của đồi núi! Sau nhiều lần tìm lối ra không được, tôi thấy mình đứng trước một thân cây đã chết khô từ lâu. Thoạt tiên tôi lấy làm lạ, vì sao thân cây lại có màu nhiều màu sắc long lanh, óng ánh? Nhưng nhìn kỹ, tôi rất ngạc nhiên vì đó toàn là xác những con sâu lớn, xếp vòng từ dưới lên trên. Lại có một đoạn thân cây bị hổng, như ai đã dùng rìu bửa thành một khung hình thoi, bề dài khoảng 6 tấc. Ðây là một loại cây nhỏ, lá giống như lá cây bông sư,ù mọc tự nhiên trong các hốc cây. Một điều lạ lùng là tất cả các lá cây đều cử động, dù đang buổi trưa, rừng cây không có gió! Như vậy cây này là một loại thực vật cử động được mà tôi từng nghe nói, nhưng bây giờ mới thấy lần đầu!

Thốt nhiên, tôi nghe hình như văng vẳng đâu đây có tiếng nói! 

Tôi buột miệng hỏi:

- Ai vậy?

- Tôi đây!

Tự nhiên, tôi quay lại phía sau. Không thấy ai cả! Giọng nói lại phát ra:

- Tôi đây mà!

Quả nhiên là có tiếng nói phát ra từ những chiếc lá cây đang cử động. Tôi thật vui, vì điều mình ước mong nay đã thành hiện thực. Tôi vẫn mong được giao cảm với một "cõi khác", dù thiên đường hay địa ngục. quỷ hay ma đều tốt! Tôi muốn được các đấng thiêng liêng, quỷ thần..., cho hay thời gian những người Việt Quốc Gia đang bị tù ở đây, đến bao giờ mới được tha về? Bởi cái "án" "tập trung cải tạo" không hề ấn định thời gian là bao lâu?

Tôi lưỡng lự một lát rồi đánh bạo hỏi:

- Thưa...

- Cứ gọi tôi là Mỗ!

- Thưa.., ông, bà hay cô, cậu?

- Không cần đâu, cứ kêu Mỗ là được rồi!

- Thưa Mỗ, tôi còn phải ở tù bao lâu nữa?

- Mới có bốn năm! Bây giờ là "lệnh" thứ hai. Như vậy ít ra cũng phải hết lệnh nàỵ.., tức còn hai năm nữa!

- Lệnh? Tôi chưa nghe qua!

Có tiếng cười vui:

- Bây giờ thì biết đó. Mỗi lệnh là ba năm! Theo "người ta" đánh giá, không dưới bốn lệnh đâu!

Tôi bàng hoàng:

- Mười hai năm?

- Cũng có thể hơn, vậy đừng hoài công thắc mắc. Cứ "an tâm học tập" đi!

Ðến đây, tất cả các lá cây không còn cử động nữa. Tôi quay gót tìm đường xuống núi với những bước chân nặng trĩu! Tự nhiên, những dấu khắc trên thân cây lại hiện ra. Tôi cứ đi ngược chiều mũi tên, quả nhiên rồi cũng đến bờ dốc xuống làng Mường Thải.

Ðêm ấy, tôi mơ thấy mình đứng trước hốc cây lá chuyển động. Bên tai tôi lại nghe thêm nhiều lời của lá:

- Hồi trưa nay, Mỗ đã vi phạm "luật rừng", là không được giao tiếp với "người trần" vào giờ Ngọ, nên đã bị cắt đứt tuyến liên lạc. Bây giờ là âm thời, chúng ta lại có thể tiếp tục. Người cần hỏi thêm điều gì nữa không?

Tôi vui mừng:

- Thưa Mỗ, gia đình tôi có được bình yên không?

Tôi lắng nghe tiếng trả lời, nhưng một phút dài dặc qua.. mới nghe Mỗ nói tiếp:

- Nhiều chuyện Mỗ không được tiết lộ. Sáu tháng sau, tự khắc người sẽ biết!

Tôi ngần ngại:

- Tôi còn sống thêm được bao lâu? Còn hy vọng gặp lại người thân?

- Người còn sống khá lâu, dĩ nhiên sẽ còn nhiều cơ hội...

- Ðến năm 2000 không? Tức hai mươi mốt năm nữa!

- Có "khả năng"!

Tôi buột miệng:

- Mỗ cũng xài ngôn từ của "tổ chức"?

- Ðó là Mỗ "nhại", "pha tiếng" mà! Trời sắp sáng rồi, Mỗ phải đi đây!

- Chào Mỗ. Chừng nào chúng ta tái ngộ?

- Cứ ra hốc cây trên đỉnh Mường Giang. Nhưng nhớ là phải trước giờ Ngọ và chỉ vào những ngày sóc, vọng!

- Nếu những ngày đó, tôi không được lên đây?

- Thì coi như chúng ta không còn duyên gặp lại!...

* * *

Ðầu năm 1979, sau đợt cuộc tấn công của quân Tầu vào các tỉnh biên giới phía Bắc, chúng tôi được di chuyển về mạn Nam: Trại Thanh Phong, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, giáp ranh Lào! Tôi ở đây 3 năm mới được... vô Nam.

Ngày 28 tháng 4 năm 1982, chuyến xe lửa Thống Nhất dừng lại ga Thuận Hải và tại đây, tôi lại có duyên tiếp tục được nghe ... Lời Của Lá vào đầu năm 1985. Hồi đó tại Phân Trại K1, tôi và các anh Anh Hoa, Tô Thùy Yên, Thế Hoài Trần Hoài Châu cùng được giam chung một "buồng". Sau những giờ lao động, chúng tôi thường ra phía trước công viên, ngồi trên "băng" đá, hóng mát. Gọi là công viên, theo "tổ chức", thực ra đó chỉ là một vườn hoa trải theo chiều dài của nhà giam. 

Chiều hôm đó, trước giờ điểm danh vô buồng, tôi vừa ra tới công viên thì lại thấy "ảnh" - anh tù "hình sự" quen mặt - đang giơ tay, cái đầu lắc lư, miệng nói huyên thuyên trên một vòm cây. Ngày nào, vào giờ này mà ảnh chẳng nói chuyện với "vòm"! Tôi làm bộ không để ý đến anh ta, cứ tự nhiên ngồi chơi. Anh ta cũng không quan tâm đến sự có mặt của tôi, vẫn tiếp tục nói chuyện với vòm. Dù không muốn nghe anh ta nói gì, nhưng tiếng nói của anh vẫn lọt tai tôi:

- Ông nói là đợt sắp tới đây, tôi sẽ được tha! Nhưng tôi không tin. Ðã mấy cái "đợt sắp tới" rồi, mà tôi vẫn còn ... ở tù! Tám năm rồi chớ còn ít oi gì?...

Thì ra ảnh ở tù cũng khá lâu. Tám năm nước chảy qua cầu. Bao nhiêu đứa trẻ không được sống gần cha. Bao nhiêu người đàn bà vắng chồng. Có những người kiên trì giữ mình, nhưng cũng có nhiều người ngã xuống, chịu thua vì "tổ chức"chủ trương:

- Lấy vợ chúng, hành hạ các con chúng, phá nát gia đình chúng!

Một điều bất bình thường là ngay cả các bà vợ cán binh Cộng sản cũng đồng ý cho các ông chồng dan díu với những người vợ cựu quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa. Sự kiện này chứng tỏ ách kềm kẹp "nhân dân" trong chế độ "ưu việt" đã quá nặng.

Tâm sự não nề về gia đình của người tù là niềm cảm thông chua xót chung của cả tù binh chiến tranh, tù chính trị cũng như tù hình sự.

Tôi nghe tiếp, nhưng là một giọng nói khác lẫn trong tiếng gió:

- Mỗ có nói "đợt sắp tới". Có thể là đợt gần tới, hay đợt sẽ tới!

Tôi vô cùng ngạc nhiên, vì đó cũng là giọng nói của lá mà tôi đã từng nghe trên đỉnh Mường Giang hồi còn ở Sơn La.

- Vậy... đích xác là chừng nào tôi mới được tha?

- Ðó là ... thiên cơ, Mỗ không tiết lộ được.

Ðến đây, một cơn gió thổi ào qua. Tôi không còn nghe được cuộc đối thoại tiếp theo giữa người tù và"lời của lá" nữa. Vài bữa sau, nhân làm việc gần nhau ngoài "hiện trường", tôi lân la làm quen với anh ta trong lúc nghỉ giải lao:

- Tôi tên Hoàng, xin được làm quen với anh.

Anh ta nhìn tôi:

- Tôi là Ba, người ta thường kêu tôi là Ba Mát!

Tôi vui vẻ:

- Anh chững chạc lắm, đâu có mát!

Ba cười:

- Có đấy, anh Hoàng à! Anh đã chẳng thấy tôi đứng nói chuyện ... tào lao với cái bụi cây trước buồng là gì?

Tôi ngẩn người:

- Thì ra anh cũng biết! Tôi không phải cố ý đâu.

Ba lắc đầu:

- Dù anh có ý muốn coi, muốn nghe tôi nói chuyện với bụi cây, tôi cũng không ngại. Bởi vì những câu tôi hỏi cũng không khác gì những điều các bạn tù muốn biết. Ðại để là ... chừng nào được tha?

- Vậy, theo anh thì... chừng nào?

Ba cười:

- Ngày nào tôi cũng hỏi... bụi cây và chờ đợi câu trả lời của lá. Nhưng chưa...

- Nhưng anh vẫn hy vọng...

- Dĩ nhiên, nếu không hy vọng thì làm sao sống?

rồi Ba nói tiếp luôn:

- Cho nên chiều nào tôi cũng hỏi. Chưng nào được trả lời mới thôi! Ngoài anh ra, còn rất nhiều anh em khác biết chuyện này. Họ đã đặt cho tôi cái tên là Ba Mát. Họ nói không sai đâu, tôi bị... chạm dây thiệt!

- Anh biết mình... mát thì chẳng mát chút nào đâu. Có điều tôi thấy anh hoài công vô ích thôi. 

Tôi đăm đăm nhìn Ba rồi dò ý anh ta:

- Làm gì có câu trả lời của lá!

Ba khoát tay:

- Anh không tin, vì anh chưa bao giờ được nghe... lời của lá!

Ba thẳng thắn nói tiếp ngay:

- Vì nếu anh đã từng nghe, thế tất nhiên anh biết là có thứ tiếng nói ấy. Như vậy đâu anh có nói là... làm gì có câu trả lời của lá! Ở đây cũng chẳng có ai tin như vậy. Bởi họ chưa từng nghe. Còn tôi, chẳng những tôi đã từng nghe lời của lá, mà còn được mách trước cho biết, cả câu chuyện không bao giờ tôi tin sẽ xảy ra, và nó đã xảy ra!

- Anh đã được mách bảo, sao còn cần hỏi thêm?

- Vì tôi cần biết thêm chi tiết. 

- Và anh tin là ngày nào cũng hỏi, rồi cũng được ... lá trả lời?

Ba gật đầu:

- Ðúng vậy. Anh bạn. Niềm tin có thể... chuyển núi! Ðể tạ lòng anh quan tâm đến câu chuyện của tôi, tôi xin tiết lộ với anh điều này. Chiều hôm qua, tôi đã có câu trả lời của lá!

Tôi ngạc nhiên:

- Ủa!

Ba vui vẻ:

- Rồi anh sẽ thấy sự ứng nghiệm, cũng không xa đâu. Chi trong dịp Tết Nguyên Ðán tới đây, tên tôi sẽ được kêu trong danh sách những "trại viên" được xét tha!

Tôi nắm tay anh:

- Nếu quả như vậy, xin mừng anh!

Ba nhún vai:

- Tại sao lại nói... nếu quả như vậy? Vì chắc chắn là như vậy! Anh sẽ thấy tôi đứng lên, lớn tiếng: "Có mặt", sau khi nghe đọc tên mình!

* * *

Ngày 26 tháng chạp năm Ðinh Mão (1987), tức trước Tết Nguyên Ðán Mậu Thìn bốn ngày, quả nhiên trong sân "tập kết", chúng tôi nghe tên anh trong bản danh sách những "trại viên học tập tiến bộ" được tha về sum họp với gia đình. Ba vừa đứng lên, vừa lớn tiếng hô: "Có mặt". Trước khi ra khỏi hàng, anh con quay lại nhìn tôi, như muốn nói:

- Ðúng như lời của lá!
 

Hoàng Ngọc Liên
(Những Chuyện Chưa Quên, tập truyện ngắn chưa in)

| Trang bìa |
| Ðầu trang |