Bên
Máng Cỏ Xanh
LTG - Viết theo
lời kể của Lệ Hương, để
mến tặng những người trong
truyện.
.... Dường như anh
thấy trong Hang Ðá,
Bên Máng Cỏ Xanh vẫn
có em!
H.Ng.L.
Capital Boulevard, phía bắc thành
phố Raleigh này, là tên một đoạn
khá dài của đường số
1, tiếp cận thông lộ 85, rồi 95 lên
Thủ Ðô Hoa Thạnh Ðốn. Từ
nơi tôi tạm... dung - nói theo bà con
- tôi thường cuốc bộ trên
con đường này, khoảng 2 miles,
tới khu Putt Putt dành cho trẻ em.
Tôi coi việc gặp lại
bà Hoa là cái duyên trong vòng tao
ngộ. Bởi chỉ tới trước
hay sau đó vài phút trong buổi chiều
vừa qua, tôi đã không thể
tái ngộ bà bạn già này.
Khi tới trước
cửa chính của Putt Putt, rõ ràng
tôi thấy bà Hoa mở cửa
sau của chiếc Mini Van, sắp bước
lên.
Tôi la lớn:
- Chị Hoa!
Bà Hoa ngạc nhiên nhìn
tôi, reo lên:
- Chị Hương! Không ngờ
gặp lại chị!
rồi bà nói với
người lái xe:
- Chú đưa mấy đứa
nhỏ chạy vòng vòng dạo chơi trong
cái mall gần đây. Khoảng 1 giờ
sau trở lại đón tôi.
Chờ chiếc xe lăn
bánh, bà Hoa nắm tay tôi, kéo vô
gian trong Putt Putt:
- Vô đây, tuy hơi
ồn, nhưng bớt gió, mình có
nhiều chuyện nói với nhau.
Chúng tôi ngồi vô
một bàn trống. Tôi kêu nước
uống rồi nói với bà Hoa:
- Chị cũng ở Raleigh
à?
Bà Hoa lắc đầu:
- Không, mãi dưới
Greensboro. Bữa nay cho tụi nhỏ lên đây
có chút việc, may gặp lại chị.
Chị ở gần đây?
- Khoảng hơn 3 blocs thôi.
Lát nữa, mời chị ghé
chơi.
- Tôi phải về lại
Greensboro. Chị cho số phone. Lần tới
thế nào cũng đến...
Bà Hoa là người
làng, hơn tuổi tôi, nhưng chúng
tôi vẫn coi nhau như bạn.
Hồi trước ở
Sài Gòn, chúng tôi thỉnh thoảng
mới gặp nhau.
Tôi biết chuyện tình
dang dở của cặp Thoại-Hoa, nhưng hồi
đó không ai nhắc tới.
Không hiểu sao lần tái
ngộ này, sau những lời thăm
bình thường, trong lúc vui vẻ,
tôi lại hỏi bà:
- Qua đây, bà có
được tin ông Thoại không?
Bà Hoa vui vẻ:
- Năm 1971, tôi đã
gặp lại ổng, nhưng không có dịp
kể lại với chị.
Tôi ngạc nhiên, vậy
bây giờ chị cho nghe đi....
Trong những năm chiến
tranh lên cao độ, Lễ Nửa Ðêm
tại nhà thờ Phú Quý, ngôi
thánh đường nhỏ gần chợ
Phú Nhuận, Sài Gòn, bao giờ
cũng đông nghẹt giáo hữu.
Như chị đã biết,
tôi không phải là con chiên của
Ðấng Christ, nhưng từ Noel 1972, tôi
luôn có mặt trong dòng người
đông đảo đi dự Lễ
Nửa Ðêm vào mỗi mùa Giáng
Sinh.
Lễ tất, chờ mọi
người ra về gần hết, tôi
đến bên Máng Cỏ, đăm
đăm nhìn tượng Hài Nhi. Bên
tai tôi, còn văng vẳng giọng nói
trầm trầm cũa Thoại:
- Hãy cầu nguyện cho quãng
ngày sắp tới, chúng ta được
bình an, thanh thản.
Sau lễ Nửa Ðêm
24 tháng 12 năm 1971, tôi đã cùng
Thoại quỳ bên Máng Cỏ , Thoại
đã nói bên tôi những
lời trên.
Chiều hôm trước,
Thoại đến thăm tôi.
Khi mở cửa, tôi
ngạc nhiên nhìn người khách
lạ:
- Xin lỗi, ông là...
Thoại ngờ ngợ:
- Nếu không được
biết trước, tôi hẳn không
nhận ra bà là cô Hoa gần hai chục
năm về trước!...
Tôi la lên:
- Anh Thoại! Làm sao anh kiếm
được nhà?
rồi như thấy cách
xưng hô không thích hợp với
hiện tại, tôi nói tiếp:
- Mời ông vô.
Chờ Thoại an vị, tôi
nhìn ông đăm đăm:
- Ông vô Nam hồi nào
vậy?
- Ðợt chót, năm
1955, vào Ðà Nẵng. Tôi ở
miết bên Sơn Trà tới nay.
- Gia đình ông?
Thoại buồn bã:
- Bà nhà tôi đã
mất, chỉ vài năm sau đó. Tôi
hiện có một trai, một gái. Các
cháu đều có công việc làm
ăn tại Ðà Nẵng.
Ông nhìn tôi chăm
chú:
- Còn bà?
Tôi ngập ngừng:
- Tôi...
Thoại đỡ lời:
- Thực ra, người
cho tôi địa chỉ này, đã
kể đôi điều về bà.
Tại sao bà không lập gia đình?
- Tôi đã bỏ lỡ
nhiều cơ hội, cho đến khi cơ hội
không đến với tôi nữa.
Vả lại, tôi ở với cậu
em, tiếp mợ ấy để nuôi
một lô vừa trai, vừa gái.
Như vậy cũng như tôi đã lập
gia đình rồi!
Thoại cười:
- Tôi hiểu! Tôi thực
có lỗi với bà!
Tôi lắc đầu:
- Ông không có lỗi
gì hết. Chỉ tại chúng ta không
duyên nợ mà thôi.
Thoại cười buồn:
- Bao nhiêu năm qua, tôi
không bao giờ hết ăn năn, hối
hận về những bồng bột củ
tuổi trẻ, đã gây tai tiếng
cho bà, rồi lại bỏ đi như một
người vô trách nhiệm.
- Không phải, ông lên
đường vì tuân thủ lệnh
gọi nhập ngũ. Thực ra, mọi người
đều hiểu tư cách của ông.
Tôi đâu có bị tai tiếng gì?
Tôi mỉm cười
nói tiếp:
- Hồi đó, chẳng
cứ mình tôi, bao nhiêu cô gái
khác đến tuổi cập kê, đều
có những chàng trai cầu cạnh,
tới lui, việc không thành là
sự thường. Chưa có trường
hợp nào xảy ra chuyện đáng
tiếc. Ông đi rồi, có mấy
đám đến ... xem mắt, nhưng...
thôi, bỏ qua chuyện đó đi. Nghe
người làng kể, sau khi ông đi
Nam Ðịnh, lại thấy trở về
Hà Nội tiếp tục dạy học ở
Ngọc Hà...
- Ðúng vậy, tôi được
miễn dịch vì lý do sức khỏe.
Từ ngày di cư, tôi lại tiếp
tục làm thày giáo trường
tư.
Tôi chợt hỏi:
- Ông còn ở chơi
lâu không?
- Ngày mốt lễ Giáng
Sinh. Sáng chủ nhật 26, tôi phải về
Ðà Nẵng có việc cần.
Thoại vẫn chăm chú
nhìn tôi:
- Tối mai, khoảng 11 giờ,
tôi muốn đón bà cùng đi
lễ Nửa Ðêm. Có gì làm
phiền bà không?
- Tuyệt nhiên không. Mọi
lần, tôi đi lễ Nửa Ðêm
với gia đình cậu em. Năm nay phá
lệ một lần. Em tôi, cậu Bưởi
ngày xưa, ông còn nhớ không?
- Nhớ, hồi đó
cậu ấy còn...nhỏ.
- Nhưng nó biết ông
thường đến nhà. Sau này,
lâu lâu Bưởi cũng nhắc
đến ông luôn. Nếu nghe nói
ông đến thăm, thế nào nó
cũng đòi gặp.
Quỳ bên Máng Cỏ,
tôi thầm cầu nguyện theo ý Thoại.
Sau khi kêu cyclo đưa tôi
về nhà, Thoại cầm tay tôi:
- Chúng ta đều già
rồi, không thể nào còn làm
lại được ...
dĩ vãng. Nhưng mình
mãi nhớ nhau trong lời cầu
nguyện. Như thế cũng đủ an ủi
nhau. Chúc bà ở lại vui vẻ, khỏe
mạnh.
Tôi nghẹn ngào nắm
chặt tay ông:
- Ông về bằng an.
Ðó là lần chót
tôi gặp lại Thoại ở Việt Nam.
Do vậy mà những năm kế tiếp,
bao giờ sau lễ Nửa Ðêm,
tôi cũng ở lại, quỳ bên
Máng Cõ, cầu nguyện...
Năm 1975, khi nghe tin Miền Trung
thất thủ, tôi lo lắng, không biết
ông bạn tôi và các con, cháu
ra sao? Sau đó, tôi theo gia đình Bưởi
vượt thoát. Tôi cũng không
ngờ còn sống đến ngày
hôm nay, lại được gặp chị
nơi đây...
Tôi cầm tay bà Hoa:
- Chuyện tâm tình của
chị thiệt đẹp. Qua đây, mỗi
khi dự lễ Xmas, chị vẩn quỳ bên
máng cỏ?
Bà Hoa gật đầu:
- Ðó là niềm vui
cuối đời của tôi.
- Chị không có tin gì
về ông Thoại hay sao? Biết đâu
ổng đang ở hải ngoại, có
thể là Hoa Kỳ?
- Hy vọng là như vậy,
nhưng dù sẽ chẳng còn tái
ngộ, chúng tôi bao giờ cũng
nhớ nhau. Dĩ nhiên bạn già mà
được thấy nhau trên quê người,
còn gì hoan hỉ hơn. Cũng như bữa
nay gặp lại chị.
Sau đó, tôi theo bà
Hoa ra chỗ đậu xe. Chiếc mini van đã
chờ sẵn. Bà Hoa còn nắm tay
tôi lần nữa:
- Chúc chị mạnh giỏi,
hẹn gặp lại.
Tôi xiết chặt tay bà:
- Chị về bằng an. Chúc
Giáng Sinh và Năm Mới vui vẻ.
Xe chở bà Hoa và
mấy đứa nhỏ đã chạy
khuất, tôi còn đứng lại
ngẩn ngơ. một lát rồi mới
theo đường cũ về nhà.
Chúng tôi còn gặp
nhau thêm hai lần nữa, trước
khi gia đình tôi lên ở Xứ
Vạn Hồ. Thỉnh thoảng, chúng tôi
kêu phone hỏi thăm nhau, nhưng không ai
nhắc đến ông Thoại. Nếu có
tin gì về ông, hẳn bà Hoa đã
cho tôi hay rồi.Bỗng nhiên, một đêm,
gần 12 giờ, bà Hoa còn kêu
tôi:
- Chị Hương! Ngủ chưa?
Tôi xin lỗi vì quên là trên
Minnesota giờ này sắp nửa đêm!
- Không sao đâu, chị
Hoa! Có tin vui sao?
Giọng nói đầu giây
bên kia đầy xúc động:
- Tôi mới được
tin ông Thoại.
Tôi buột miệng:
- Tạ ơn Trời!
- Ổng từ Toronto Canada kêu
qua.
- Xin chia vui với chị!
- Ổng nói ... dài dòng
lắm, sẽ viết thư cho chị sau. Bây
giờ để chị ngủ.
- Này, bà bạn!
- Tôi nghe đây!
- Tôi nói thế này,
chị nên lưu tâm nha. Ở Mỹ,
tuổi già cô đơn không chịu
nổi đâu. chị ở mãi với
gia đình cậu Bưởi sao được,
mà ông Thoại, chẳng lẽ cần
kề con cháu hoài ư? Liệu thu xếp
sống chung đi thôi.
Bà Hoa vui vẻ:
- Ông Thoại cũng có
ý này, nhưng...
Tôi gạt đi:
- Không nhưng gì hết
trơn! Hai ông bà già, đâu phải
chuyện gì trai trẻ nữa. Nhưng lúc
tối lửa, tắt đèn cần
có người bên cạnh để
giúp đỡ nhau.Còn nữa,
khi cảm cúm, cần người ... cạo
gió!
Bà Hoa cười ròn
tan:
- Chị thiệt vui!
Tôi nói thêm:
- Cứ vậy đi, nha! Mà
phải lẹ lẹ lên. Khi có tin... mừng,
nhớ cho tôi hay liền. Thế nào
tôi cũng bay trở lại Raleigh, uống
ly rượu mừng, luôn tiện gặp
lại ông Thoại.Mong rằng, lễ Giáng
Sinh năm nay, chị sẽ không quỳ một
mình bên Máng Cỏ nữa!
Hoàng Ngọc Liên
|