Trang nhà
HOÀNG NGỌC LIÊN



hoangngoclien@juno.com

Truyện Hoàng Ngọc Liên

Viên Ðạn Cuối Cùng

Già Năm châm trà rồi vui vẻ ngồi gần tôi: - Tôi đã đóng kín các cửa. Không còn sợ "bức vách có tai" nữa. Mời ông dùng trà. Chuyện thầy Tướng, tôi xin kể lại ông nghe. Nhưng không bảo đảm trí nhớ của tôi còn khá như xưa. 

Tôi nâng ly trà: 

- Lâu rồi mới "nghe" được vị chát của trà. Cảm ơn già hậu đãi. 

Già Năm cười khiêm tốn: . 

- Chẳng có gì, ngoài ly trà mừng ông trở lại còn mạnh giỏi. Tiện đây xin chia buồn với ông về Bà Cụ, bà nhà và một cháu trai của ông mất trong những năm ông còn trong tù. Mấy ông lối xóm của tôi , ông nào cũng gặp chuyện chẳng lành. Người thì vợ con tử nạn trên đường vưột biên. Người thì bà xã ôm cầm thuyền khác. Có người cũng không được tiễn ông bà thân đến nơi an nghỉ cuối cùng! 

Tôi cúi đầu: - Tạ ơn già, đó là những cái giá mà kẻ bại trận phải trả... 

Già Năm không đồng ý: 

- Ông cũng nói... bại trận sao? Tôi không ưa hai chữ bại trận. Không đánh giặc mà phải buông súng, sao gọi là bại trận được? Mà có đánh thiệt rồi tự xử, như ông thầy Tướng, cũng không phải là bại trận! 

Thấy già Năm bắt đầu vào... đề, tôi tiếp lời: 

- Xin già cứ nói những điều tai nghe, mắt thấy. Tôi muốn ghi lại một vài hình ảnh của Thầy Tướng - càng trung thực càng tốt. 

Nét mặt già Năm vụt trở nên đăm chiêu: 

- Tôi không quen biết gì với thầy Tướng, lại cũng chưa bao giờ tới chỗ ổng hành nghề. Mãi đến lúc thầy... hy sinh, tôi cũng không nhìn rõ mặt. Nhưng mười mấy năm nay, mỗi lần nghe một tiếng gì đó phát nổ, ví dụ tiếng pháo, tiếng xe bể bánh... tôi lại nhớ tiếng súng ầm ran tại khu vực gần ngã tư này, vào xế trưa ngày 30 tháng Tư! 

- Nghe đồn, chỉ một mình thầy Tướng dám chống lại quân... "giải phóng". Trận chiến quả không cân sức! Già Năm thở dài: 

- Cân sao được mà cân! Ðơn thương độc mã chọi cả mấy chục tên, nội một điều này đã đủ vinh danh thầy Tướng. Ðó là chưa kể cuộc chạm súng kéo dài gần cả 2 tiếng đồng hồ, đủ biết "chúng" cũng ngán thầy, cũng sợ chết. Mấy thuở vô được Sàigon, sắp quơ một mớ ... chiến lợi phẩm đem về Bắc, dại gì chúng "xung phong" vô cứ điểm của thầy, lỡ ra thiệt mạng... 

Tôi đỡ lời già: 

- Thầy Tướng đâu phải con nhà võ, làm sao biết cách đánh giặc, lại đánh một mình. Lẽ ra ổng cầm cự nhiều lắm là nửa giờ, cũng phải... bung! 

Già Năm cười: 

- Cái lý thú là ở chỗ đó, ông à! Sau trận chạm súng với một số các anh em Dù, "quân Giải Phóng" gặp ngay một ông phó thường dân gan dạ và quyết tử. Ðứng trên lầu, bằng một giọng chững chạc, Thầy Tướng nói trong "loa" oang oang: 

- Tôi đã quyết tử. Không phải tôi chán sống nhưng vì các anh đã chiếm được Sài Gòn. Tôi tự biết không thể sống chung với Cộng Sản, nên muốn đi trước cho khỏe. Nhưng tôi lại không muốn đi một mình. Mới đây, bè bạn trong Dù trước khi "tan hàng" đã chuyển đến cho tôi mấy cây súng, ít đạn, lựu đạn và chỉ cho tôi cách sử dụng... tàm tạm, đủ xài! Cho nên, trước khi chết, tôi cũng muốn rủ các anh theo tôi cho có bạn, càng nhiều càng tốt! Các anh đừng suy bụng ta ra bụng người mà cho rằng tôi cũng nói dóc như "vẹm", chớ không dám chết. Tôi đã dành riêng cho mình, một viên đạn cuối cùng . Vậy anh nào muốn "đi" theo tôi thì cứ nhào tới! Sinh Bắc tử Nam mà! 

Thầy cười hì hì trong máy rồi nói tiếp: 

- Các anh sẽ được gặp lại Bác Hồ muôn vàn kính yêu của các anh, sẽ thành "liệt sĩ" trong chốc lát.Tại sao còn chần chừ chưa chịu tiến lên?

Lát sau, có tiếng hô xung phong thiệt lớn của một tên nào đó. Nhưng hô cả chục tiếng mà không có "chiến sĩ " nào xung phong cả. Trong lúc đó, ông thầy nóng ruột, thỉnh thoảng lại liệng ra một trái lựu đạn, hoặc bắn một tràng súng máy hướng về phía "quân giải phóng". Hình như sợ mất mặt với "nhân dân Miền Nam", tên chỉ huy đích thân lùa đồng bọn men theo lề cây xăng tiến tới. Chỉ đợi có vậy, mấy trái lựu đạn nổ liên tiếp. Ba bốn cái bóng nhào! Bà con bên này khu phố không sợ đạn lạc, dám túa ra chứng kiến. Ai cũng cầu mong thầy Tướng tìm cách nào đó đi thoát được. Nhưng thầy đâu còn muốn sống nữa. Ðã nói là quyết tử, thầy muốn chứng tỏ cho "cách mạng" biết, không bao giờ "nhân dân Miền Nam" muốn được Cộng Sản "giải phóng"! 

Tôi còn nhớ lời thầy: 

- Tôi không phải là quân nhân, không cần nghe lệnh "Tổng Thống" trở cờ Dương Văn Minh mà ngưng chiến đấu để... bàn giao cho "cách mạng"! Tôi quyết tử với các anh và rồi tôi cũng sẽ... bàn giao cái thân xác tôi cho các anh. Sống với Cộng Sản, đàng nào tôi cũng chết. Thà chiến đấu rồi chết cho mát mẻ, lại có thêm mấy anh đi theo nữa cho... vui. Nào, xung phong đi chớ?...

Già Năm đang nói ngon trớn, bỗng dừng lại: 

- Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để... phụ đề nỗi bất bình của tôi đối với mấy cái đài phát thanh ngoại quốc. Sau khi mất Ban Mê Thuột, ngày nào mà mấy cái đài đó không ra rả loan những tin tức bất lợi cho VNCH, cho mãi tới ngày xe... "bọc thép" của " vẹm" tiến vào dinh Ðộc Lập... Thế mà một sự kiện xảy ra nóng bỏng, trận quyết tử giữa một thường dân VN, chống lại quân "giải phóng", cả mấy tiếng đồng hồ, náo loạn cả một góc trời mà hổng có bản tin nào được ghi nhận. Ôi, thế giới tự do! 

Rồi già nhìn tôi: 

- Ông ở tù mười mấy năm, đâu có hiểu chúng tôi phải sống thê thảm như thế nào dưới sự "xài xể" của... con cháu Bác? Do vậy mà nhiều người nhớ ông Thầy Tướng, có nhà cúng cơm ổng vào ngày 30 tháng Tư Ðen. Ai cũng đau lòng nhớ lại cảnh tượng chiều hôm đó. Lúc "biển người" lính ngố nhào vô căn nhà ông thầy Tướng, sau khi ông thầy bắn hết đạn và cũng không còn lựu đạn để liệng nữa. Ai cũng nghĩ "chúng" sẽ trói tay ông thầy, bịt mắt ổng rồi đem ra xử bắn để răn đe... đồng bào. Nhưng, bà con đã thấy tận mắt, chúng chỉ lôi ra được cái xác của Thầy Tướng. Thầy đã bắn viên đạn súng lục cuối cùng vào thái dương bên mặt của mình để tự xử. 

Già Năm chép miệng nói tiếp: 

- Sau này tôi nghe nhiều đến những trang sách báo hải ngoại vinh danh các vị anh hùng: Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Mạc Ly Châu Phạm Ðức Lợi.... cùng bao nhiêu vị Quân, Dân, Chính khác đã tự xử khi mất nước, nhưng chưa có ai viết cho một dòng về sự hy sinh của Thầy Tướng. Ông sang Mỹ, có dịp, nên ghi lại đôi hàng... Tôi nói ngay: 

- Tôi muốn được nghe già kể lại, chẳng phải có ý định viết lách gì, mà vì ông thầy Tướng đối với tôi vốn là chỗ quen biết ... 

Già Năm gật gù: 

- Hèn chi ông quan tâm đặc biệt đến chuyện này. Chắc ông cũng có nhiều kỷ niệm với ông thầy Tướng. Trong tù, ông có bao giờ nghe ai nói về trận quyết tử của thầy Tướng không? 

Tôi lắc đầu: - Tôi mới nghe cách đây mấy bữa thôi. Kỷ niệm chỉ có chút ít, toàn là chuyện vui. 

Tôi và ông Ngọc, tục danh của thầy Tướng, là người đồng hương. Cuối thập niên 30, đầu 40, tôi theo học trường "Auger" tại Quy Hậu, phủ lỵ của phủ Kim Sơn, cách làng tôi chỉ 1km. Ngày 2 lượt đi về, hầu như lần nào tôi cũng thấy ông Ngọc kéo bễ lò rèn ở làng Phúc Ðiền, ngay ven đường hàng tỉnh số 10 Phát Diệm-Ninh Bình, sát cạnh làng tôi. 

Có lần nhác thấy tôi đi học về ngang qua, ông Ngọc cầm thanh sắt mới rút ta từ đống than đỏ rực, dứ dứ về phía tôi: Cậu Mõ! Muốn đánh một thanh "Chu Long Kiếm" không?... (1) 

Hồi đó, ông Ngọc hay tháp thùng ông bác ruột, đến thăm thầy tôi nên quen cái tên "cậu Mõ" mà người trong nhà thường gọi tôi. 

Mười mấy năm sau cuộc ... di cư , tôi mới gặp lại ông, lúc đó đã là thầy Tướng, vào mùa mưa 1971. 

Tôi còn nhớ chiều hôm ấy, từ nhà ở Trường Ðua Phú Thọ, tôi chở đứa con trai lên Bà Quẹo ăn cơm với Lê Văn Thuận để nó ở chơi với cháu Lê Dũng, con anh Thuận, còn tôi thả bộ xuống cư xá Tự Do thăm một người bạn. Lúc tôi trở lại, đi qua ngã tư thì trời đổ mưa bất chợt. Tôi vội đứng nép vào căn nhà đóng cửa để tránh mưa. Lúc nhìn ra mới hay đó là Nhà Tướng Số M.Y. 

Cánh cửa sịch mở. Một khuôn mặt lạ ló ra, một giọng nói không quen cất lên: 

- Cậu Mõ! 

Tôi giật mình, nhìn kỹ người đối diện: 

- Xin lỗi, ông là... 

Một bàn tay nắm lấy vai tôi, vẫn giọng nói không quen: - Mời Trung Tá vô ngồi tránh mưa đã! 
 
 

Từ nãy đến giờ, tôi đang ngạc nhiên, không phải bây giờ nghe danh xưng cấp bậc trong quân đội, dù tôi đang mặc thường phục, mà là tiếng Cậu Mõ... nói trên! Tôi trùng tên với một ông lúc sinh tiền làm Mõ làng, lại xin đâu được cái mõ cũ, hay học rao theo những lời thường nghe: 

-" Chiềng quan viên làng nước, nay có...", nên Mẹ tôi thường âu yếm gọi tôi là Mõ của Mẹ! 

"Cậu Mõ", hai tiếng này cũng thường được những người giúp việc nhà tôi dùng để kêu tôi. Người ngoài ít ai biết điều này. Ông thầy Tướng này là ai? Tại sao lại kêu đúng tên "cúng cơm" của tôi? 

Thầy Tướng cười: 

- Trung Tá dùng gì? 

Tôi lắc đầu: 

- Cảm ơn ông, tôi không khát. Ông cứ gọi tôi là Mõ được rồi. Cấp bậc chỉ dùng trong quân đội. Nhưng... 

- Nhưng chắc "cậu Mõ" ngạc nhiên khi tôi biết cái tên này? 

- Ðúng vậy, tôi chưa nhận ra được là đã gặp ông ở đâu! 

Thầy Tướng nói: 

- Cậu không nhận được tôi, chứ tôi nhận được cậu ngay từ hơn mười năm trước. Có điều, thấy cậu là sĩ quan, lại là con cụ Cử, nên không dám với cao. Thôi để tôi nói cho cậu rõ: Tôi chính là Ngọc Lò Rèn ở làng Phúc Ðiền đây. 

Tôi vui mừng nắm chặt bàn tay của ông, nhìn kỹ khuôn mặt ông. Phải rồi, đúng là "anh Ngọc" ngày xưa, đôi lần từng theo ông bác ruột đến thăm thầy tôi. Cái "anh Ngọc" thường bị người đời nói lén là "điên điên", vì thấy anh mở lò rèn, làm thợ rèn, không tương xứng với gia thế theo quan niệm hồi đó! Nói tên thì tôi nhận ra được, nếu gặp ngoài đường thì chắc tôi đi luôn: 

- Ông Ngọc, tôi thật không ngờ được gặp lại ông. Nhưng thầy tôi không phải là cụ Cử, chắc ông nhớ lầm rồi! Ông Ngọc nhún vai: 

- Ai cũng nghĩ cụ nhà chỉ là một thầy thuốc giỏi, nhưng Bác tôi, vì cũng là "cựu đồng chí", nên được biết ông cụ là người từng lưu lạc tận Quảng Châu Loan bên Tàu làm... cách mạng trong tổ chức một Ðảng phái quốc gia. Bác tôi còn biết ông cụ đỗ cử nhân ân khoa Ất Mão 1915, tức khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn, rồi không chịu hợp tác với Tây, bỏ xứ đi xa. Cuối năm 1930, vì những bất đồng của tổ chức, cụ ẩn danh tại Kim Sơn, tránh được con mắt tò mò của nhà cầm quyền sở tại. Nhờ vậy tôi mới có dịp tháp tùng ông bác, lâu lâu qua thăm cụ... 

Tôi lắc đầu: 

- Tôi thật chưa bao giờ nghe gia phụ nói chuyện này. Dòng họ tôi chỉ có cụ cố đỗ tiến sĩ đến đời các bác tôi và thầy tôi, đâu có ai đỗ đạt gì? 

Ðến lượt ông Ngọc lắc đầu: 

- Chắc là hồi đó cậu Mõ còn nhỏ, ông cụ chưa nói với cậu đó thôi. Nhưng tôi không lầm đâu. 

Tôi nhìn lại ông: 

- Rồi làm sao ông lại trở thành thày Tướng nổi danh như ngày nay? 

Sau đây là những lời tâm sự của ông Ngọc: 

- Nổi danh thì không dám, nhưng cũng kiếm ăn nhì nhằng. Còn tại sao làm nghề này thì là tại tôi muốn làm. Lúc còn ở quê nhà, cậu có nhớ bên làng Như Ðộ, có anh B. anh Ð. con nhà giầu không? Thế mà anh B. quay ra làm thầy tướng. Anh ta đã kẻ lên bức tường trước nhà hàng chữ: "- Muốn xem: - Tình duyên thất vọng, công danh lận đận, sự nghiệp tan tành" - Xin mời vào nhà. 

Ðầu tiên tôi cho là anh chàng này hơi điên. Nhưng sau khi nghĩ lại, thấy anh ta có lý. Tình duyên không thất vọng, công danh không lận đận, sự nghiệp không tan tành... thì đâu có ai đi coi bói làm gì. Nên sau đó, tôi vô nhà anh ta, coi một quẻ. Ngờ đâu anh ta từ chối thẳng thừng:

- Thắng Ngọc Lò Rèn! Không xem cho mày! 

Tôi ngớ người: 

- Tại sao? 

Anh B. nói dõng dạc: 

- Tại mày là người quen.! Mà tao thì đang bịp thiên hạ đễ lấy tiền. Nguyên tắc của tao là không bịp người quen, vậy thôi. Mày về đi!

Tôi nài nỉ:

- Nhiều người khen anh đoán hay lắm. Nhận tôi làm đệ tử được không? Xin đóng học phí vừa ý... thầy! 

Ðầu tiên, anh ta không chịu, nhưng sau đó thằng Ð., em trai của anh, nói chen vào: 

-Nhận đi anh, em cũng học với anh Ngọc nữa! 

Thế là, sau đó, tôi nhận được bài học vỡ lòng. Tôi còn nhớ mãi, đó là một bài học vui, nhan đề: Nhập môn, phải biết tâm lý - nhất là đối với phụ nữ, phải biết lựa lời mà nói. Ta có câu: Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Có nhiều sự việc chẳng cần làm thày bói cũng đoán trúng phóc. Ví dụ: mới sáng bảnh mắt, chị ta đã hối hả đập cửa nhà thày bói. Vậy thì chị ta gặp chuyện gì mà gấp vậy? Dĩ nhiên có thể là đêm qua, nhà chị bị mất trộm. Cũng có thể là người nhà của chị (ông chồng của chị , con trai, con gái chị) bỏ đi cả đêm, cờ bạc hay trai gái gì đây. Mình lựa lời dò ý trước cho chắc ăn. Có thể bắt đầu:

- Chị làm gì mà đi xem bói sớm quá vậy? Bị mất trộm à? Nếu... thánh cho ăn lộc thì quả nhiên là chị ta vừa bị kẻ gian ôm mất mớ đồ. Mắt chị ta sẽ mở to lên, thán phục:

- Trời! Sao thầy đoán hay quá vậy?

Nếu câu dò ý nói trên không ăn tiền, thì thêm ngay, khi không thấy chị ta phản ứng thuận lợi: 

- Thôi, lại ông Xã bỏ nhà đi đánh chén cả đêm rồi! Nếu cá cắn câu thì sẽ nghe, ví dụ: 

- Ðánh chén còn khá. Ông ấy có con nào dấu ở đâu đó, tôi chưa tìm ra... 

Mới nghe bài học vỡ lòng, tôi đã "mết" ông thầy Ð. ngay. Sau này, nghề dạy nghề, lại mua sách chuyên môn về nghiền ngẫm. Tổ đãi thì cũng không đến nỗi nào... Nói đến đây, ông Ngọc ngưng lại. Ông hạ giọng: - Nhưng, thú thiệt với cậu Mõ, coi bói chỉ là nghề ngụy trang - tuy cũng có đồng ra, đồng vào. Nhưng tôi làm nghề này là có mục đích. 

- Ông làm việc cho chính quyền ? 

- Không! Tin cậu nên tôi thú thiệt, công việc chính của tôi là lột mặt nạ những tên Cộng Sản nằm vùng. Nghề này cho tôi nhiều cơ hội. Chắc là cậu không thể ngờ là cả nhà tôi, cha mẹ tôi, anh trai tôi đều tử nạn do "Ðội Cải Cách Ruộng Ðất" từ Nghê Tĩnh ra, phát động đấu tố, giết hết. Chỉ có mấy sào ruộng hương hỏa không trực canh mà "chúng nó" giết cả nhà tôi. Cậu nghĩ coi, nhà giầu có, địa chủ thứ thiệt, ai lại cho con làm thợ rèn bao giờ!...

Tôi cúi đầu: 

- Xin chia buồn với ông! 

Ông Ngọc nói tiếp: 

- Cảm ơn cậu. Nếu tôi không theo mấy ông Cha đi Hải Phòng để xuống tàu vào Nam, thời hạn cuối cùng năm 1955 thì một năm sau, trong "Cải Cách Ruộng Ðất", chắc cũng "đi" rồi. Cho nên cả thù nhà, cả nợ nước, khiến tôi căm bọn Cộng Sản thấu xương, không bao giờ tôi đội trời chung với chúng. Làm nghề này, tôi đã có dịp giúp cơ quan an ninh tóm được mấy tên mới xâm nhập, phá hoại. Nói có Phật Trời chứng giám, tôi tự nguyện làm công... quả thôi,chứ không bao giờ nhận tiền của các cơ quan an ninh. Cũng có nhiều chuyện vui. Khi nào cậu rảnh, ghé tôi, mình lên ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Ðình Phùng chào cờ... tây một bữa, tôi sẽ kể cậu nghe... Thấy bên ngoài đã hết mưa, tôi đứng lên từ giã ông Ngọc: 

- Cảm ơn đồng hương cho trú mưa.Tôi phải trở lại nhà ông bạn, còn chở con về Phú Thọ. Nhà tôi ở số 18 Cư xá Lê Ðại Hành, khi nào có dịp đi ngang qua, mời ông vào chơi. Bà cụ tôi chắc sẽ rất mừng được gặp lại ông. 

Ông Ngọc tiễn tôi khi cơn mưa vừa dứt: 

- Vâng, nhưng bữa nào cậu nhớ ghé tôi... 

Tôi cầm tay ông Ngọc: 

- Yên trí, ông thầy! 

Thầy Tướng cùng tôi bước ra ngoài: 

- Thầy bà gì! Cậu về cho tôi gửi lời thăm bà cụ, "mợ Mõ" và các cháu. Có dịp tôi xin ghé cậu. 

- Thưa già, đó là lần chót tôi gặp ông Ngọc, trước khi sập tiệm. Nào ngờ là lần cuối cùng. Từ bữa được nghe câu chuyện... quyết tử của ông Thầy Tướng, tôi thật vô cùng trân trọng và thương cảm. Hôm nay lại được nghe già cho biết thêm nhiều chi tiết, tôi thật hân hạnh đã có một người cùng quê anh hùng. Tôi không biết rằng sau này còn có dịp cầm bút nữa không. Nếu còn, sớm muộn gì tôi cũng ghi lại câu chuyện này, để tưởng niệm ông Thầy Tướng của chúng ta, một thường dân đã quyết liệt sống chết với Cộng Sản. Ông đã dành cho mình một viên đạn cuối cùng để tự xử, chẳng khác gì một danh tướng. 

Hoàng Ngọc Liên 

(*) Tên thanh kiếm trong tác phẩm cùng tên của Văn Tuyền, một bút hiệu khác của lão tiền bối Phạm Cao Củng. 
 

| Trang bìa |
| Ðầu trang |