Trang nhà
HOÀNG NGỌC LIÊN



<hl2k@juno.com>

TRUYỆN HOÀNG NGỌC LIÊN

Thư Ngỏ Gửi Về Một Người Quen Ở Việt Nam 
Hoàng Ngọc Liên

Thưa anh, 

Thật  bất ngờ khi nhận được thư anh vào tháng 11 năm 1996,  tôi xin cảm ơn lời thăm hỏi của anh. Tôi cũng hiểu tại sao bức thư "vượt trùng dương" của anh không ghi địa chỉ người gửi. Nên chi, vì có một đôi điều cần thưa lại với anh, tôi phải dùng hình thức phổ biến này mong anh có dịp đọc và thể tất cho. 

Năm năm trước đây, tôi đã mất một cơ hội gặp lại anh và cũng để cảm ơn anh, trước khi đáp chuyến tầu Thống Nhất trở lại Hà Nội vào ngày 9 tháng 6 năm 1992, anh đã có hảo ý ghé thăm tôi. Thời gian đó, tôi phải đi khám sức khỏe lần chót, trước khi làm một chuyến đi xa. 

Lúc trở lại nhà, tôi nhận được bức thư của anh, bức thư đánh máy, không bỏ dấu. Tôi hiểu sự thận trọng của anh. 

Vì cũng có "duyên" sống ít năm dưới nhà tù "xã hội chủ nghĩa", tôi thấm thía thân phận một con người trong chế độ "ưu-việt" này, có khi, kể cả những đảng viên cốt cán như anh. Tiếc rằng lúc ra máy bay, tôi đã "không dám" mang theo những dòng chữ của anh. Tôi ngại gặp trục trặc vào giờ chót vì đã hơn một lần chứng kiến nét mặt thất vọng não nề của người sắp lên đường mà bị giữ hộ chiếu lại, chỉ vì một lý do, có khi thực sự quan trọng, cũng có khi  không đáng gì - như chưa đóng đủ thuế thổ trạch trong năm. Ðây là một lỗi lầm của tôi, khi vì phòng thân mà bao nhiêu tài liệu quí phải để lại, mặc dù tôi đã biết chắc chắn rằng, chỉ với 200 ngàn tiền VN, các va li đem khám trước tại sân bay Tân Sơn Nhất, không bao giờ phải mở ra để kiểm kê. Nếu bây giờ còn bức thư của anh thì thật là quí hóa. Anh đã gửi cho tôi 45 trang giấy đánh máy dòng đôi, ghi lại những cảm nghĩ "thực" của anh, từ sau năm 1950, là năm anh từ giã bè bạn lên đường tham dự "Chiến Dịch Biên Giới". Quí hóa, vì bức thư không ký tên của anh là một bằng chứng đáng tin nhất, bởi anh không phải cò mồi trong nước, hoặc có "mission" ra ngoài nước. Ngoài bức thư đánh máy, anh không viết gì thêm cho tôi, kể cả địa chỉ của anh. Do vậy, tôi không có cách nào "tâm sự" để "đáp lễ"  anh. 

Tháng sáu năm 1975, tên Bái "kều" - ngày xưa thường đánh "bi ve" với bọn mình,  đến nhà tôi, trước ngày tôi "trình diện" đi "cải tạo"! Bái khoe có gặp anh trên đường vượt Trường Sơn, "đánh Mỹ, cứu Nước". Nhưng khác anh, Bái dám chửi thề, văng tục khi nhắc đến tên Hồ Chí Minh, "quý danh" vừa đem đặt tên cho Hòn Ngọc Viễn Ðông. 

Nói về anh, Bái chỉ vắn tắt: 

- Cậu nhớ thằng "Củ Khoai"  làng Thủ Trung không? Nó học dưới mình một lớp... 

Tôi hình dung ngay ra khuôn mặt gầy gò của anh. 

  -... "Nó" mang quân hàm Thượng Tá, Ðảng viên từ sau "chiến thắng Ðiên Biên". Thế nào vào đây, nó cũng tìm thăm cậu! 

Tôi lắc đầu: 

- Không còn kịp nữa đâu, ông ơi! Tôi sắp bị đi Lý Bá Sơ mút mùa đến nơi rồi!... 

Bái gật gù: 

- Cậu chuẩn bị tư tưởng như vậy là tốt. Tớ thấy nhiều ông Sỹ Quan chế độ cũ tin rằng chỉ đi "học tập" chừng 1 tháng, theo thông cáo của Ủy Ban Quân Quản! 

Bái nhìn tôi nói tiếp: 

- Tớ nghĩ cấp bậc và ngành nghề như cậu, ít ra cũng phải năm  năm. 

Tôi cười: 

- Mình không di tản, cũng không có gan tự xử, vậy phải chấp nhận hệ lụy của một tên quân bại trận. Có thể "ra đi không về" lắm. 

Sau này, tôi không còn tin tức gì của Bái nữa. Tôi đoán chừng, Bái cũng như anh, đã trả thẻ Ðảng, về hưu, vì... như anh viết trong thư: "Bọn nó ngu dốt, giáo điều, lại ngoan cố mà cứ muốn ngồi trên đầu trên cổ mình mãi. Rồi cũng có phen..."! 

Tuy không còn giữ được bức thư "quí hóa" của anh, nhưng hầu như tôi đã thuộc lòng đại ý những đoạn chính. Lẽ ra, tôi đã viết bức thư ngỏ này từ lâu, mong rằng, nếu có duyên, nó sẽ đến dưới mắt anh. Nhưng hai  năm đầu qua Mỹ, tôi phải đi cầy, trả nợ. Hai năm kế tiếp  thì các thứ bệnh của "tù" đua nhau "hành", không còn sức mà cầm bút nữa. Bây giờ thì sức khỏe khá hơn, lại vừa được tiếp xúc với mấy thanh niên từ VN qua Hoa Kỳ học... nghề. Lớp thanh niên sinh trưởng sau chiến tranh không hề quan tâm gì đến chủ nghĩa Mác, tư tưởng  Mao, Hồ, chỉ muốn cắm cúi học để về giúp nước. Họ lại không hiểu rằng với những đỉnh cao trí tuệ hiện nay đang ngự trị Bắc Bộ Phủ, - bằng hào quang "công lao trong kháng chiến" vay mượn, cướp đoạt của người Quốc Gia, - đang lãnh đạo và quản lý đất nước, nhân tài VN, dù xuất thân do nguồn gốc nào, cũng khó có hoàn cảnh giúp nước, như lòng mong ước! Nhưng lớp trẻ dù sao cũng không hiểu bộ mặt thực của những người Cộng Sản, với những mưu đồ đen tối, những hành động diệt chủng bạo tàn, chính là thủ phạm đưa đất nước đến tình trạng đói nghèo, kiệt quệ, rã ra từng mảng như hiện nay. Nên chi, tôi muốn ghi lại đôi điều cảm nghĩ về bức thư anh đã viết cho tôi, như vẽ lại một bức tranh mà chính người Cộng Sản là tác giả, để bạn trẻ thực tâm muốn xây dựng đất nước, thấy được những sự thật hằng bị che đậy qua nước sơn  tình tự dân tộc. 

Tuy nhiên, trên tổng quát, tôi nhận được thiện chí của anh, muốn thấy một nước Việt Nam thực sự tự do, dân chủ, phú cường, nhưng tôi  không thể  đồng ý nhận định và thái độ của anh về những người Cộng Sản. 

Trên đây là tóm tắt những cảm nghĩ của tôi về những điều anh viết trong thư để lại nhà tôi - ở Việt Nam - ngày 8 tháng 6 năm 1992. Xin cảm ơn anh đã đến thăm. Cũng xin trả lời đoạn cuối bức thư đó của anh, là tôi qua Mỹ lánh nạn, với tuổi già, sức yếu, chẳng còn làm nên trò trống gì, nên khó  có  khả năng "góp phần xây dựng đất nước", như anh cầu chúc. 

Bẵng đi gần năm  năm không có tin tức gì của anh nên khi nhận được bức thư thứ hai của anh gửi qua Hoa Kỳ,  tôi rất ngạc nhiên. 

Ðôi điều tôi cần thưa lại với anh, về nội dung bức thư: vài nhận định tổng quát của anh về điều mà anh gọi là công lao kháng chiến của người CSVN và  về một số cựu quân nhân, công chức VNCH từng bị "tập trung cải tạo". 

Ðầu tiên, anh vẫn cho rằng Ðảng CS có công trong kháng chiến Chống Pháp, đuổi Mỹ. Khoan nói về cái đúng hay sai của Hoa Kỳ trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, về sự việc "chống Mỹ cứu Nước" của  mười lăm  năm chiến tranh đã qua, bây giờ lại lậy lục được bang giao với Mỹ, được Mỹ ban hồng ân Tối Huệ Quốc cho, chỉ riêng về "kháng chiến chống Pháp", anh đã nhìn không đúng sự thực. Anh không có một dòng chữ nào lên án người Cộng Sản đã cướp công nhân dân Việt Nam trong Kháng Chiến, đã lợi dụng lòng yêu nước, lợi dụng xương máu của chiến sĩ, đồng bào cho mưu đồ xích hóa Việt Nam, Ðông Dương... theo chỉ đạo của Mạc Tư Khoa. Ðể nắm trọn công lao, bọn lãnh đạo Ðảng đã sát hại hàng ngàn chiến sĩ các đảng phái quốc gia cả tin vào Mặt Trận Liên Việt, vào lời hô hào Ðại Ðoàn Kết của Cụ Hồ! 

Những nạn nhân của "cách mạng", như trong cải cách ruộng đất, trong thanh toán đối lập, trong "nhân văn giai phẩm", trong "vụ án xét lại chống đảng", trong đánh tư sản, trong trả thù cựu nhân viên "chế độ cũ", khiến bao nhiêu người chết thảm trong tù, trên rừng, dưới biển... tội ác của Cộng Sản Việt Nam ngút trời, ngập đất... mà không thấy anh lên án, đòi sự công bằng xã hội, điều mà chính Cộng Sản vẫn rêu rao trong phát động đấu tranh giai cấp! 

Sau 1975, CS làm cho đất nước tan hoang như ngày nay, cũng phải đền tội thế nào, chứ không thể an nhiên tự tại, chuẩn bị ôm vàng, đô la đào thoát dễ dàng. 

Nếu anh đọc được những dòng này, có thể anh cho tôi là cực đoan, chống cộng đến chiều, mà không chịu... hòa hợp, hòa giải... Tôi không có gì mà phải... hòa giải. Còn những người làm tội ác thì phải bị trừng phạt, chứ chuyện đời đâu có việc cứ giết người, cướp của rồi... hòa giải, là xong! 

Ðây chỉ là thái độ của cá nhân tôi. Có thể những nhà lãnh đạo Quốc Gia sau này sẽ có cách đối phó nào đó phù hợp với Thiên Tính Công Lý và Tình Tự Dân Tộc, còn theo tôi, nếu những "đỉnh cao trí tuệ" vẫn tiếp tục độc quyền yêu nước. ngự trị trên Bắc Bộ Phủ, thì VN không bao giờ thịnh vượng được. 

Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để trình bày với anh, sự tiếp xúc duy nhất của tôi  với Th., người đã có mấy chục năm đảng tịch,  cựu thượng tá quân đội Miền Bắc, do lời giới thiệu của một cô bạn... văn nghệ.   Cho dù lúc đó Th.  đã về hưu, và vì lý do nào đó, đã trả Thẻ Ðảng, nhưng tôi vẫn thấy mình đang nói chuyện với một người Cộng Sản. Ðó là phản ứng tâm tư rất tự nhiên của tôi.  Chúng tôi  đã trao đổi quan niệm riêng tư về sinh hoạt văn nghệ cả hai miền Nam Bắc Việt Nam. Sau buổi gặp mặt ấy, Th. mời tôi đến nơi anh ta ở trong chúng cư trên đường Gia Long, dành cho cán bộ cao cấp. Nhìn qua mấy phòng khách, phòng ăn, phòng làm việc, phòng ngủ, nhất là tủ sách của Th.,  cùng với cách trang trí nhà cửa, những bức tranh trên tường..., tôi thấy Th. rất "tiểu tư sản"! Do vậy mà tôi mường tượng được cuộc sống vương giả của các "đầy tớ nhân dân" thực thụ  vào thời gian đó. Cung cách sống của Th. như  một trong những chủ nhân ông của Sài Gòn này, dù anh hiện đang trong tình trạng "bất mãn" với chế độ, đang bị... hạ bệ, phải kiếm ăn bằng ngòi bút, vì cái lương hưu "thượng tá quân đội nhân dân, một tháng không đủ cho Th. hút "ba số". Sau những  chuyện "tâm tình", , tôi nhận ra rằng, sở dĩ Th. trả thẻ Ðảng, chê đảng ngu dốt, cấp lãnh đạo bất tài..., chỉ vì anh ta không được đãi ngộ xứng đáng với cái tài của mình. Tuyệt nhiên anh không hề có một lời nào kết tội Cộng Sản đã lường gạt, phản bội, làm nhân dân ngày càng nghèo khổ, đất nước ngày càng tan hoang... Anh "né" ngay khi tôi nhắc đến khuôn mặt cựu chủ tịch Hồ Chí Minh, thủ phạm chính của những tội ác "trúc rừng không ghi hết tội". Anh đến với tôi, phần nào để chứng tỏ anh sáng suốt, sớm từ giã Ðảng, muốn trở lại nguyên trạng của một người dân yêu nước trước 1945, đóng vai chiến sĩ quốc gia thuần túy; chứng tỏ trong hàng ngũ những cựu đảng viên Cộng Sản, cũng có những người trí thức chống Ðảng, không chịu luồn cúi trước những khuôn mặt mà anh cho là vô tài bất tướng ở Bắc Bộ Phủ! 

Lần tôi đến từ giã Th. để lên đường, anh ta ngỏ ý, muốn được giữ liên lạc sau khi tôi đến Hoa Kỳ. Tôi có nói với anh ta rằng, nếu mình coi nhau như bạn bè thông thường, thì  lâu lâu gửi vài hàng thăm hỏi nhau, như vậy đã là giữ liên lạc tốt. Tôi còn ngỏ ý với Th. là, tôi được biết khá rõ ràng, vài anh chị em khi lên đường đi định cư ở Hoa Kỳ, đã mang theo một "mission" của Sở Phản Gián, nếu không muốn bị giữ lại tấm hộ chiếu đã bị "ngâm" quá lâu!  Sự việc tiếp theo, họ có "nằm vùng" cho CS hay không thì hạ hồi phân giải. 

Nhưng tôi, chắc vì không được chọn lựa, lại khả năng rất hạn chế, nên Ðảng ta đã không chiếu cố cho đem "nhiệm vụ" đi. Nghe tôi phân trần, Th. cho rằng tôi không tin anh ta . Anh ta đã nghĩ đúng. 

Tôi chẳng còn niềm tin nào đặt vào một người đã từng có nhiều tuổi đảng, có cấp bậc trong quân đội Miền Bắc như Th., cho dù hiện tại  anh ta  đã bỏ Ðảng, giải ngũ... Thời thế - nếu không muốn nói chính xác  là sự lật lọng, nham hiểm, tráo trở cố hữu của người CS - làm cho chúng tôi không còn tin các anh nữa. Kể ra cũng là quá muộn. Nếu các vị tiền bối trong hàng ngũ quốc gia của chúng tôi ngày xưa cũng không tin chuyện "Ðại Ðoàn Kết" trong mặt trận Liên Việt, thì đâu CS có cướp được một nửa nước vào năm 1954! 

Thứ đến, trong bức thư, anh cho rằng một số trong chúng tôi, dù phải lao động nặng nhọc, đói, lạnh - mà anh cho là tình trạng "phổ biến" chung của cả nhân dân bên ngoài hàng rào giây kẽm gai - nhưng về phương diện tình thần thì đa số  cũng không bị hành hạ gì nhiều. Anh chứng minh nhận xét này bằng cách dẫn chứng, nhân một lần đi qua vùng Hà Tây, mắt anh đã thấy, tai anh đã nghe, những người tù cười nói vui vẻ. Có tù nhân còn ca hát - dĩ nhiên không phải nhạc vàng - thoải mái nữa. Chỉ với khung cảnh đó mà anh đã cho rằng người tù không bị hành hạ về tinh thần, thì xin anh tha lỗi, sự nhận xét của anh chẳng có chút nào "đào sâu suy nghĩ" cả. Theo tôi, sở dĩ người tù trong chế độ Cộng Sản vui vẻ cười nói, ca hát, để còn sức sống mà chịu đựng. Nếu chán nản, mất hết ý chí thì sẽ ngã quỵ ngay, đúng như điều mong muốn của "Ðảng ta"! 

Sự hành hạ về tinh thần mà "người tù chính trị" (NTCT), tức các cựu viên chức VNCH  phải chịu,  khó  diễn tả đầy đủ bằng ngôn từ được. Nó là cả một "quốc sách" của Bắc bộ phủ, quy định bất thành văn cho bọn giám thị trại giam. Cho nên ở đâu cũng vậy, sự hành hạ theo một con đường đã vạch, một "chiến lược trường kỳ", cùng các áp dụng "chiến thuật" do sáng kiến địa phương của bọn giám thị vẽ rắn thêm chân, nhằm mục đích càng hành hạ tình thần người tù nhiều bao nhiêu càng tốt. 

Anh chỉ đứng bên ngoài nhìn vào chứ chưa bao giờ đi tù như chúng tôi, nên chưa thấy, chưa nghe, những  khung cảnh "học tập" làm mất ý chí của NTCT như thế nào! 

Trong những buổi mạn đàn, kiểm thảo, nhất là những khi ngồi kiểm điểm về một lỗi lầm của ai đó, hoặc đối diện với cán bộ cấp trên về "làm việc", NTCT đã chịu cực hình tra tấn bằng tinh thần tinh vi, nham hiểm, làm xói mòn đầu óc mọi người. Hàng ngày, hàng đêm, năm này qua năm khác, loa đài ra rả, nói những điều dối trá; "Ban" , (giám thị) quản giáo, chấp pháp, trực trại nhai nhải nhồi nhét vào tai NTCT những luận điệu một chiều, như những giọt nước rỏ xuống một điểm cố định. Dù điểm đó có trên một tảng đá, cũng có mgày giọt nước xuyên qua bề dày của nó. 

Anh không phải là NTCT, nên không biết rằng họ đã phải sống trở lại một thời khuyết sử! Không sách báo thích ứng, không biết thời gian, không có ánh sáng vào nơi tăm tối, không có những điều kiện sinh hoạt tối thiểu của con người có văn hóa, anh còn cho là NTCT không bị hành hạ về tinh thần thì quả anh vẫn còn là  người một người Cộng Sản, dù anh đã ra khỏi Ðảng. 

Nội dung một bức thư không cho phép tôi "kể lể" nhiều hơn, những điều mà trước tôi đã nhiều người ghi lại. Tôi chỉ nêu lên một vài điểm, trong không biết bao đòn phép mà Ðảng dùng để tiêu diệt ý chí của NTCT. Mong rằng bức thư này không làm anh phật ý vì những sự thực của nó. Những sự thực về vấn đề hành hạ tinh thần của NTCT mà suốt chiều dài Lịch Sử, cả Ðông, Tây, Kim, Cổ, tôi cho rằng chỉ ở "chế độ ưu việt" của CSVN mới có! 

Nếu anh thực tâm muốn làm một điều gì tốt lành cho đất nước, dân tộc, tổ quốc VN,  thì tôi rất vui chờ tin mừng ở bên kia bờ đại dương. Còn nếu anh chống Ðảng chỉ vì bị thất sủng thì khi CS vỗ về, ban cho "đặc quyền, đặc lợi", anh sẽ lại đứng trong hàng ngũ "vô sản chuyên chính" để "muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ". Nếu vậy, bây giờ tôi chưa tin anh, cũng là điều "lô gích" theo duy vật biện chứng pháp, phải không anh? 

Quá khứ của chúng ta là hai con đường khác biệt, mong rằng tương lai sẽ đồng quy về một  hướng: "Xây dựng một nước Việt Nam  hoàn toàn  dân chủ, tự do, giầu mạnh". Khi nào người  Cộng Sản còn độc quyền "chuyên chính vô sản, yêu nước là yêu chủ nghĩa Xã hội"...  thì, thưa anh, tai họa và sự nghèo khổ còn tăng trưởng ở Việt Nam, và chừng đó, chúng ta vẫn đi trên hai  con đường, cách biệt. 

Xin chúc lại anh, người bạn học ngày xưa, có những nhận xét minh bạch về tội ác của bọn cầm đầu Cộng Ðảng, và đủ cương nghị trước bạo lực, nếu quả tình anh muốn đấu tranh cho một xã hội tự do, dân chủ, vì hạnh phúc của đồng bào, chứ không phải hành động chỉ vì bị thất sủng, không được đãi ngộ như những kẻ bất tài, dốt nát mà anh đã chỉ ra, trong thư. 

Kính 
Hoàng Ngọc Liên 

 
| Trang bìa |
| Ðầu trang |