Trang nhà
HOÀNG NGỌC LIÊN



<hl2k@juno.com>

Một vài ghi nhận về tiếng Việt trong phim Tàu
Tản mạn của Hoàng Ngọc Liên

ỞØ đây, người viết không bàn đến chuyện lồng tiếng phim Trung Hoa ở Việt Nam. Vì sau năm 1975, trong nước có không ít từ ngữ phổ thông được tùy tiện sửa đổi hay đặt thêm, như nhà hộ sinh được sửa là xưởng đẻ, Tờ Khai Gia Ðình được sửa là Hộ Khẩu..., như đặt thêm từ hồ hởi để chỉ sự phấn khởi, có khả năng để chỉ niềm hy vọng..., nhứt trí cao để chỉ sự hoàn toàn đồng ý... Do vậy mà phim ảnh Trung Hoa được lồng tiếng từ Việt Nam, xuất cảng ra ngoại quốc, có những từ ngữ nghe chói tai. Người viết đề nghị quý vị phụ huynh, khi gặp những từ ngữ sặc mùi "cách mạng" như trên, xin khuyên con em tuyệt đối không nên dùng trong cả hai cách nói và viết. Ví dụ:

Không bao giờ nói:

- Ði đăng ký nghĩa vụ quân sự!

mà nói:

- Ði tòng quân.

Không bao giờ nói:

- Tàu sân bay!

mà nói:

- Hàng không mẫu hạm...

* * *

Bài Tản Mạn này chỉ xin nêu ít điều nhận xét qua cách sử dụng Việt Ngữ trong các phim Trung Hoa, nhất là trên màn ảnh nhỏ. Theo tôi, trẻ em VN, nhất là các trẻ ở Hải Ngoại, nếu gia đình xem phim, video tape, DVD, VCD... thường được xem chung. Do vậy mà không ít trẻ tiêm nhiễm một số từ ngữ không đúng rồi nói hay viết lại.

Người viết mạo muội đề nghị quý vị phụ huynh chỉ bảo ngay cho con em, mỗi khi gặp một từ ngữ, một cách diễn đạt, một cách nói mà quý vị cho là không phải Việt Nam.

Tôi không ngạc nhiên khi nghe một bé gái nói với chị:

- Muội không chơi với tỉ nữa!

Vì hẳn là các bé đã coi phim Trung Hoa trên màn ảnh nhỏ. Tôi đã chứng kiến một gia đình gồm ông bà nội, ba mẹ và các em, mê mải coi video "Hoàn Châu Các Các". Có em đã nhái tiếng Các Các khi công nương này nói sai câu:

- Nhứt ngôn ký xuất, bát mã không đuổi kịp!

Thực ra câu này ai cũng biết, là:

- Nhứt ngôn ký xuất, Tứ mã nan truy, có nghĩa là: một lời đã nói, ngựa Tứ khó đuổi. Chữ Tứ ở đây có bộ Mã, là một giống ngựa Tứ chạy rất nhanh, không phải nghĩa là bốn (4), đồng âm không có bộ Mã. Khi đọc sai, hiểu sai, các em cứ đinh ninh như vậy là đúng! (Hoàn Châu Các Các cũng hiểu sai chữ Tứ nên mới diễn tả ý một lời đã nói, tám ngựa khó đuổi)

Một em trai chơi trò đám cưới với 1 em gái. Em trai học theo phim bộ, cầm tay em gái, nói:

- Muội gả cho huynh đi!

Tai hại là tiếng Việt không dùng danh xưng huynh đệ tỉ muội mà Ta nói, hay viết đều là anh em, chị em. Bá phụ ta nói là "Bác", tức anh trai của cha, thúc phụ là Chú, em trai của cha. Di mẫu là Dì, chị hay em gái của Mẹ. Cô mẫu là Cô, em gái của Cha.

Người Việt không bao giờ cầu hôn mà nói: "Muội gả cho huynh đi". Ðộng từ gả, luôn được hiểu là do cha mẹ người con gái đồng ý cho con lấy chồng. Người con gái không bao giờ tự mình gả được cho ai. Ðó là nói chuyện nề nếp và truyền thống văn hóa Việt. Dĩ nhiên sau này có tự do kết hôn, đôi lứa tùy nghi xây dựng gia đình với người được mình chọn lựa. Nhưng khi người con trai cầu hôn cũng không bao giờ nói như trên với người mình yêu.

* Khi được ai đó gọi:

- Anh Hai ơi!

Anh Hai có thể trả lời:

- Có tôi!

Nhưng không bao giờ trả lời:

- Tôi có!

Trong phim Trung Hoa, khi Hoàng Ðế kêu tên một quan chức. Người được kêu có thể chắp tay, cúi đầu:

- Có kẻ hạ thần!

Nhưng không bao giờ trả lời:

- Hạ thần có!

như ta đã nghe trong phim Trung Hoa.

* Khi người trên hỏi:

- Nghe rõ chưa?

Ta thường trả lời, ví dụ:

- Thưa Ba, con nghe rõ rồi!

Không bao giờ trả lời:

- Rõ rồi, thưa Ba!

theo cách của người nước khác.

* Dùng động từ tùy tiện:

Khi nêu ý không buộc người nghe phải tuân theo lời mình, vi dụ ta thường nói

- Anh không cần miễn cưỡng làm theo ý tôi...

Ta không bao giờ nói:

- Tôi không miễn cưỡng anh!

*Khi công nhận một sự việc, một lời nói là đúng, ta thường trả lời, ví dụ:

- Ðúng như vậy!

Không bao giờ ta trả lời:

- Không sai!

*Ý niệm thời gian.

Ðã qua lâu rồi khi người ta chia ra đêm 5 canh, mỗi canh khoảng 2 tiếng đồng hồ. Người Việt bây giờ không còn nói:

- Ðã quá canh Ba (từ 11 giờ khuya đến 1 giờ sáng*) hay qua giờ Tí

mà thường nói:

- Bây giờ là 1 giờ sáng.

Trong phim ảnh Trung Hoa, ta nghe, ví dụ:

- Cô ấy đã quỳ suốt hai canh giờ!

để xác nhận là người con gái đã quỳ suốt bốn tiếng đồng hồ.

*Những chữ, tiếng thừa.

Khi diễn tả có nhiều vết thương trên mình một nạn nhân nào đó, trên màn ảnh video Trung Hoa, một người nói:

- Có ba mươi mấy choã vết thương!

Như vậy tiếng choã là thừa. Chỉ nói: "Có ba mươi mấy vết thương" là đủ. Nếu trẻ em Việt Nam học theo cách này mà nói:

- Em đã đánh dấu sai ba mươi mấy choã chữ trong bài viết!

thì đúng là không "Việt Nam" chút nào!

Khi muốn nói - hay viết - mình không thua trong một cuộc tranh tài, mà lên tiếng - hay viết:

- Tôi sẽ không thua cho anh đâu!

thì rõ là thừa một tiếng, một chữ cho!

* Lưu ý phân biệt những từ ngữ tếu, những tiếng lóng.

- Trong đối thoại, đôi khi có những đoạn "tếu", cố ý nói sai, hay vì không biết nghĩa mà nói. Ðề nghị quý vị phụ huynh khi gặp, xin nói lại cho đúng để con em không vì hiểu lầm mà rồi dùng sai. Ví dụ, khi giải nghĩa chữ thủ đoạn, một diễn viên đã nói là vì đánh nhau nên bị gãy tay. (thủ=tay; đoạn=lìa,gãy). Lại khi giãi nghĩa thành ngữ tam thập nhi lập, lại cho đó là có ba mươi người đang đứng!

Còn rất nhiều những ví dụ tương tự trong phim ảnh Trung Hoa mà người viết không thể nêu hết trong bài viết này.

- Còn những tiếng lóng từ lâu đã trở thành thông dụng trong nước, đến nay chưa chắc con em chúng ta hiểu được. Ví dụ: bắt địa (làm, đòi tiền), chọc ghế (trêu gái), khứa sộp (khách lắm tiền)... Xin quý vị giải nghĩa cho con em hiểu đại ý và khuyên không nên dùng.

* * *

Người Việt ở hải ngoại, ngoài ngôn ngữ truyền thống, còn va chạm với ngôn ngữ mà người Cộng Sản đặt ra sau khi cướp được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa; ngoài sách báo do người Việt quốc gia viết, còn sách báo trong nước bày bán khắp nơi; ngoài mạng truyền thông quốc gia, còn mạng truyền thông của các tổ chức văn hóa Việt cộng. Trên SCV (Social.Culture.Vietnamese) hay Ott.vietnamese, ngày càng có nhiều "messages" của các nhân viên "văn hóa vận" post lên, toàn dùng các từ ngữ "cách mạng" không thể cho con em chúng ta, nhứt là các trẻ mới lớn đọc. Nếu chúng ta buông lỏng việc kiểm soát phim ảnh - không riêng gì phim ảnh Trung Hoa -, sách báo, internet, tức là chúng ta vô tình đã tiếp tay cho các hoạt động văn hóa vận của Cộng Sản.

Bài tản mạn này chỉ như một tiếng chuông gióng lên, đặt vấn đề, hẳn nhiên còn rất nhiều thiếu sót, mong được quý bạn quan tâm bổ khuyết cho.

Tháng 5 năm 2003
Hoàng Ngọc Liên

* Nửa đêm giờ Tí, canh Ba,
Vợ tôi, con gái, đàn bà, nữ nhi.
 

| Trang bìa |
| Ðầu trang |