Trang nhà
HOÀNG NGỌC LIÊN



hoangngoclien@juno.com

Truyện Hoàng Ngọc Liên

Lễ Nửa Ðêm 
Tạp Bút 

Tiếng hát Lời Xưa, ngày Giáng Thế, 
Nguyện cầu tha thiết ý Be Lem.
Những người cầm súng đồn biên giới,
Dâng lửa thiêng, làm lễ Nửa Ðêm.
(HNL) 

Hai khoảng cách, tưởng chừng như mới đây, mà đã bốn chục năm qua. Phần lớn những chiến sĩ địa phương quân đồn trú tại khu vực Ba Biên Giới này, đến nay không còn nữa. Hoặc đã hy sinh trong những trận tấn công biển người của cộng quân, hoặc bị chúng bắn sẻ, giật mìn. Một vài cấp chỉ huy, sau tháng Tư Ðen, "được tập trung cải tạo" và ngã xuống nơi rừng thiêng nước độc. Tôi đã gặp Thượng Sĩ Nhâm, người từng đảm nhiệm chức vụ sĩ quan chiến tranh tâm lý của đơn vị này, trong một nhà tù CS tại tỉnh Thuận Hải vào năm 1984, trại Z. 30 C.

Ai cũng biết rằng các vị hạ sĩ quan QLVNCH chỉ phải trình diện học tập ngắn ngày, sau đó được về với gia đình. Nhưng hạ sĩ quan thuộc các ngành an ninh, tình báo, chiến tranh chính trị, cảnh sát đặc biệt... đều thuộc diện "cải tạo" lâu ngày, có vị còn ở tù lâu hơn một số tướng, tá: gần 13 năm!

Nhâm, năm ấy đã trên 50 tuổi, gặp lại tôi lần đầu trên "hiện trường lao động", vào buổi chiều trước đêm Lễ Giáng Sinh, anh hỏi vừa đủ nghe:

- Anh Thanh! Còn nhớ tôi không?

Tôi gật đầu:

- Chiều nay, trước giờ vô "chuồng", mình gặp nhau trước "căng tin" nha!

Nhâm:

- Mong gặp sớm!

... Chúng tôi rủ nhau ngồi hóng gió trên chiếc ghế dài bên lối đi cạnh "căng tin". 

Nhâm mở đầu:

- Vậy mà cứ tưởng anh ở Sài Gòn dễ di tản lắm...

Tôi ngắt lời:

- Vậy là trước ngày sập tiệm, anh vẫn còn trên "Ðồn Biên Giới"?

- Ðâu có ở một nơi lâu dữ vậy! Vài năm sau đêm Noel đó, 

tôi được thuyên chuyẻn về tiểu khu Hậu Nghĩa. Anh biết tại sao không?... Bởi tôi có hoàn cảnh "gà trống nuôi con"!

Tôi ngẩn người:

- Xin chia buồn... muộn với anh! Hẳn là cháu bé còn nhỏ lắm?

- Mới được 2 tháng khi má nó - đi chợ, cách đồn khoảng 2km,- bị trúng đạn pháo "giải phóng". Vợ tôi chính là em gái của ông Vương, người đã được giới thiệu với anh là có "giọng ca vàng", chắc anh còn nhớ.

- Tôi không nhớ tên, nhưng bài "Ðêm Ðông" của Hải Linh mà chĩ ấy hát thiệt.. ngọt. Ðâu ngờ anh chị kết hôn và...

Nhâm tựa lưng vô thành ghế:

- Tiếc rằng mình không ở cùng "đội" để tôi có thể dài dòng kể lại cuộc tình bi đát của chúng tôi cho anh nghe...

Vừa nói tới đây, tiếng "loa" oang oang phát ra:

- Chiều nay, các "đội" vô buồng sớm. Anh nào công giáo chuẩn bị đi dự lễ Nô En!

Cả hai chúng tôi đều ngạc nhiên, chuyện chi lạ, bộ năm nay Trại "cải tạo" tổ chức lễ Giáng Sinh thiệt sao?

Nhâm nhún vai:

- Nói dzậy mà không phải dzậy đâu! Ðể coi...

Anh chưa kịp nói thêm thì đã có tiếng kẻng "điểm danh vô buồng", chúng tôi bắt tay nhau:

- Chiều mai, mình ra đây, tiếp tục.

Nhưng, ngay tối hôm đó, chúng tôi lại gặp nhau, do một sự sắp xếp rất tình cờ:

Sau khi vô buồng chừng 30 phút, có tiếng mở khóa cửa, một anh "thường trực thi đua" bước vào:

- Chú ý!

Ðó là tiếng hô của một "trại viên" nào đó khi thoạt thấy "cán bộ" xuất hiện.

Tên công an lớn tiếng:

- Các anh theo đạo công giáo ra sân tập họp. 

Nói xong, y quay ra cửa. Chúng tôi lần bước theo và ngồi hai hàng trước sân. Tên công an giơ tay chỉ về phía trái:

- Anh nào là "tuyên úy", tập họp riêng phía này.

Có mấy ông cha đứng lên và làm theo lời "cán bộ".

- Còn các anh khác, theo "thi đua" lên hội trường dự Lễ Nô En!

Chúng tôi đứng lên và đi sau anh "trại viên làm nhiệm vụ thường trực thi đua". Tới hội trường, tôi đã thấy nhiều người ở các đội khác có mặt. May quá, Nhâm ngồi gần cửa ra vào. Tôi đến ngồi bên cạnh anh:

- Ðúng là chúng ta có duyên!

Nhâm chỉ tay lên sân khấu:

- Tôi đinh ninh là đêm nay, "cách mạng" cho phép một vị linh mục làm lễ Nửa Ðêm ở hội trường này, như loa đài đã loan tin, dè đâu... nói dzậy mà không phải dzậy! Anh coi, họ đặt một máy TV 19", bộ...đài Sài Gòn truyền hình lễ Giáng Sinh cho mình coi chắc?

Tôi cười:

- Làm gì có chuyện hoang đường đó! Mình đâu biết họ giở trò gì! Hạ hồi phân giải, hãy kể tiếp câu chuyện của anh thôi.

Nhâm cười theo:

- Ðồng ý!

...Ðêm Noel khiến tôi mang mang hình ảnh Hạnh, người vợ bất hạnh của tôi. Trong cái câu lạc bộ bỏ túi của đồn binh, chúng tôi từng tổ chức lễ kỷ niệm của các tôn giáo có tín đồ đang đồn trú tại đây.

Dạo ấy, lễ Phật Ðản còn được tổ chức vào ngày 8 tháng tư âm lịch, chúng tôi thiết lập bàn thờ Phật, cũng đủ hương nến, dù đơn giản. Một Phật tử xướng kinh Bát Nhã Ba La Mật, ai thuộc thì đọc theo... Cả kỷ niệm Lễ Vía Bà Chúa Xứ, kỷ niệm Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ Tòa Thánh Tây Ninh.. cũng được tổ chức. Riêng Giỗ Tổ Lạc Long Quân - Âu Cơ, mùng mười tháng Ba, số người tham dự đông hơn, có cả bà con vùng lân cận 

kéo đến. Trong Giỗ Tổ, chúng tôi còn thực hiện TẾ, với quan viên mặc áo thụng xanh, khăn đóng nữa.

Trở lại Lễ Noel năm đó, chắc anh còn nhớ, chúng tôi đã làm được một hang đá, đủ lệ bộ. Ngôi sao được cắt bằng giấy vàng, có mấy giải ánh sáng tỏa xuống Máng Cỏ. Hạnh không phải là con chiên, nhưng tôi để ý lúc ca bài "Ðêm Ðông" cũng như khi quỳ bên máng cỏ, nàng có khuôn mặt - nhất là cặp mắt thiết tha, như khẩn cầu một ơn phước nào đó - thiệt... ngoan đạo. Một anh "trùm" đọc Thánh Kinh, bài Phúc Âm theo Thánh Lu Ca...

"Lễ" tất, anh em mình đã ăn "rề vây dông" vui vẻ. May quá, đêm Noel đó, đồn không được... ăn pháo! 

Trong "lễ", tôi đứng phía bên hông cửa, nhìn đăm đăm khuôn mặt Hạnh. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy vướng vào đôi mắt của nàng. Hình như nàng cũng nhìn tôi bằng cặp mắt tha thiết ấy. 

Chỉ có thế thôi, thật mơ hồ... Trong bữa ăn, tôi như kẻ mất hồn. "Nàng" đã khiến kẻ si mê khờ dại, nhút nhát là tôi, trở nên... thông minh, bạo dạn, dám ngỏ lời... cầu hôn ít ngày sau đó. Sở dĩ tôi phải "khẩn trương tranh thủ thời gian", vì Hạnh chuẩn bị về lại Sài Gòn! 

Thiệt là "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ", hạnh phúc đến với tôi như một phép lạ từ trên trời rớt xuống. Có lẽ vì tôi sớm "được" nên cũng đã sớm mất Hạnh!...

Câu chuyện của Nhâm bị gián đoạn, vì "Ban" xuống "hội trường" mừng lễ các "trại viên Công Giáo". 

Ban - chánh giám thị trại giam - là một người Nghệ Tĩnh, tuyên bố rằng sở dĩ Trại phải "mời" các "trại viên" lên đây là để xem truyền hình, tránh khỏi các vi phạm "tiêu cực" như đã thường xảy ra trong những đêm lễ No En!

À ra thế, chớ đâu có linh mục nào làm Lễ Nửa Ðêm! Vì quý vị tuyên úy Công Giáo "tù", cũng được tập trung trên hội trường cơ quan, tránh ... làm lễ "chui", vi phạm nội quy, có thể bị cùm một chân ít là 7 ngày, như một vị đã... lãnh.

Nói xong, tên chánh giám thị vội vã ra khỏi hội trường. Ðèn tắt, màn ảnh nhỏ chiếu cảnh đường phố Sài Gòn, đồng bào tấp nập đổ xô đến các nhà thờ Ðức Bà, Huyện Sĩ, Bà Chiểu, Thánh Tâm, Thị Nghè, Ðắc Lộ, Vinh Sơn Liêm, Vườn Xoài, Chí Hòa, Hòa Hưng ..., hoặc chỉ đi rước đèn, bát phố...

Tuy chúng tôi không thiết gì coi TV, nhưng từ lúc đó, cho đến khi về buồng, chúng tôi cũng không thể tiếp tục câu chuyện, vì ăng ten rà soát từng dẫy ghế, coi có ai đọc kinh để còn "báo cáo".

Ðó là lần chót tôi gặp lại Nhâm. Ðầu năm 1985, tôi chuyển trại qua Z. 30D, cũng thuộc tỉnh Thuận Hải, còn được kêu bằng Trại Thủ Ðức. Nhâm ở lại Z. 30 C.

Sau mấy năm định cư trên miền đất tự do này, tôi không được tin tức gì của Nhâm. Không biết anh còn ở Việt Nam hay đã qua Hoa Kỳ. Những ngày vào mùa Giáng Sinh như thế này, tôi rất muốn được gặp lại Nhâm, để ôn lại những câu chuyện ngày xưa còn dang dở, trong đó có chuyện dự lễ Noel trong trại giam VC. 

Chúng đã nhốt tù nhân Công Giáo vào một nơi riêng biệt, không cho "cầu kinh" trong đêm Giáng Sinh, gọi là "dự lễ Nô En"... trên màn ảnh nhỏ chỉ chiếu cảnh... đường phố và mặt tiền các nhà thờ ở Sài Gòn!

Hoàng Ngọc Liên 

| Trang bìa|
| Ðầu trang|