Trang nhà
HOÀNG NGỌC LIÊN



<hl2k@hotmail.com>

Truyện Hoàng Ngọc Liên 

Chuyện Chiêm Bao!
HNL kể theo lời bạn Già T.

Khóc Mướn


Thế là Mụ khóc rống lên, kể lể:

- Ới ông ơi! Ông đi đâu mà bỏ tôi lại một mình? Thảm thiết cho tôi biết ngần nào?

Rồi mụ tiếp tục "điệp khúc" vài lần nữa:

- Ới ông ơi! Ông đi đâu mà bỏ tôi lại một mình? Thảm thiết cho tôi biết ngần nào?

Hai lần sau, Mụ kéo vài vần điệu, lên xuống có cung bậc trầm bổng, tuy chưa "mùi" bằng khi Mụ khóc "Bác" trong "lăng" mỗi khi có quan khách, nhất là quang khách nước ngoài tới ... tham quan khu Ba Ðình và luôn tiện vô lăng viếng "bác".

Trong lăng, dĩ nhiên điệp khúc nguyên văn là:

- Ới Bác ơi! Bác đi đâu mà bỏ con lại một mình? Thảm thiết cho con biết ngần nào?

Mụ chỉ việc "đổi gác"cho vài đại danh từ là xong ngay, cho bất cứ cuộc "khóc mướn" nào.

Chẳng là bữa nay Mụ khóc... mướn cho đám tang một ông cũng chưa già lắm, mới 59 tuổi. Cái tuổi này theo lẽ chưa được coi là ... thọ. Vì thông thường con người ta phải đáo tuổi 60 mới được coi là thọ. Thế nhưng bà con xóm giềng quận Ba Ðình (Hà Nội) dễ tánh cũng đăng báo phân ưu với bà quả phụ Chín Sừng, ấy chết, Chín Sùng mới đúng, ghi là ổng thọ 59 tuổi. 

Thế nhưng, kêu bằng bà quả phụ, tức bà Chín Sùng còn là ... vị vong nhân, tức chưa được chết theo chồng, tức bà còn sống nhăn. Như vậy tại sao bà không trực tiếp khóc chồng mà lại bày đặt mướn Mụ đến khóc?

Nguyên do là, chẳng hiểu từ đời ông Cố, ông Sơ nào, đã có tục... khóc mướn này. Phần vì tang gia bối rối. Ai cũng nghẹn ngào đâu có khóc nên lời được, lại phần vì người hành nghề khóc mướn có bài bản hẳn hoi, rành rẻ. Tang quyến của mọi thành phần "giai cấp" đều được soạn sẵn "bài"cho phù hợp. Người đi "khóc mướn" không bao giờ khóc trật, đem hoàn cảnh này lạc qua trường hợp khác. Có như vậy mới ăn khách. Mụ là một trong những khuôn mặt "khóc mướn" có tín nhiệm, không những trong mà còn ngoài Thành nữa.

Còn một khía cạnh khá hấp dẫn,tưởng cũng nên kể ra đây. Là người "khóc mướn" đôi khi có "phép" không để xảyra chuyện tang gia ăn quỵt hay cò kè bớt một thêm hai, số tiền ... khóc như đã thỏa thuận! Người "khóc mướn" có thể tiếp tục khóc... xỏ xiên trong "bài" thì tang gia sẽ mệt lắm.

Ví dụ, nếu đám tang ông Chín Sùng mà không xử đẹp với mình, Mụ sẽ "bới" cái chuyện ổng có nít nêm là Chín Sừng ra. Mụ réo cái tên "húy" đó ra thì vỡ mặt! Thiên hạ ai chưa biết là sinh thời, ông Chín từng bị "mọc sừng"thì nghe Mụ khóc "bới" sẽ rõ ngay:

- Ối ông Chín Sùng ơi! Ông có thiêng thì về vặn cổ cái bọn nó đồn láo là vì vợ ông ngủ với trai, nên đọc tên ông ra Chín Sừng!

Ðại để khóc "bới" là móc chuyện xấu của người vừa nắm xuống, hay trong tang quyến ra mà khóc với cái lắt léo, không phải Mụ nói, mà là bọn "Xấu"nói. Tuy căm, nhưng làm sao bắt bẻ Mụ được. Vi biết vậy, nên ít "nhà hiếu" nào dám xử tệ với người đi "khóc mướn".

Hồi đêm, bỗng nhiên Già T. nằm... chiêm bao thấy quang cảnh một đám tang trong miệt Chợ Lớn, mà người đang khóc lại là Mụ! Chuyện Chiêm Bao nên mới "điều"Mụ từ Hà Nội vô đây "khóc mướn". Mà cũng vì là Chuyện Chiêm Bao nên trong Nam mới có ... "khóc mướn", chớ suốt mấy chục ... niên tiền, đâu bao giờ có "chiệng" như vậy!

Lại có thêm nhạc ka ra ô kê "phát" inh tai, ngay bên quan tài! Còn nữa, một màn vũ xếch xy ngay trong bức màn the.. chiếu hậu!

Dưới chánh thể ưu việt của chủ nghĩa xã hội, chuyện tào lao thiếu gì, nhưng chuyện tào lao đem nhạc ka ra o kê và vũ ba ếch để bên quan tài thì đúng là chuyện... như đùa!

Thế mà rõ ràng Già T. nhìn thấy, bên tai còn văng vẳng tiếng nhạc và "lời" khóc của Mụ như sau:

- Ối ông ơi! Khi còn sanh thời, ông bay bướm, việc Nhà Nước thì nhác, việc Nhà ... Săm thì siêng. Ba cái "sẹc" xanh đỏ ngày nào mà vắng mặt ông? Từ ngày ngoài "bưng" về, ông được "cách mạng" chiếu cô cho lãnh về việc quan,lo cho nhân dân đồng bào, nên ông mập ra, dê ra. Ðến trước khi hấp hối ông còn trối trăng biểu phải có vũ ba ếch và nhạc "kích" trong tang lễ. May mà được địa phương thông cảm, mấy anh "phường" đầu tiên ưng chịu, nên mới được khóc ông... vui vẻ như thế này!

Già T. nhìn, nghe mà không hiểu gi hết trọi, nên giả vờ len vô thắp nhang trước bài vị và lạy người quá cố. Sau đó, sà xuống ngồi bên Mụ, có nhời:

- Sao bà dám kể xấu như vậy về người quá cố? Bộ không sợ tang chủ giận sao? 

Mụ quắc mắt nhìn Già T.:

- Ông Già lảng òm! (Lảng òm, lảng nhách, lảng xẹc... là những tiếng trong Nam thường dùng, Mụ cũng biết xài) Mụ được mướn để khóc như vậy đấy, biết chưa?

Già T. chưng hửng! Thì ra là như vậy! Té ra đám tang này là do "bà chũ nhớn" lo tổ chức để "dằn mặt", để chửi xéo "bà chủ nhỏ" vốn là một "em" từ trong "động" được người vừa nằm xuống – ba năm trước đây "rước" về .. dinh,, không coi bà lớn ra gì! 

Vậy ra kể xấu cũng có tiền. Thế mà có nhà chủ bút cảnh cáo Già T.:

- Già viết giữ gì thì cũng phải "lách" cho .. ngon! Già mà bị lôi ra tòa về chuyện kể xấu thiên hạ, khiến cho "bổn tòa" bị vạ lây là không được đâu!

Nên mới có Chuyện Chiêm Bao Khóc Mướn này.

HNL

 

| Trang bìa |
| Ðầu trang |